Nước sông dâng cao, hồ chứa vượt dung tích
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, đến trưa 24-11, địa bàn tỉnh Quảng Ngãi mưa vẫn chưa ngớt, lũ trên sông Trà Câu dâng lên báo động 3, nhiều vùng dân cư ven sông thuộc thị xã Đức Phổ đã bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Tại tổ dân phố số 1 (phường Phổ Minh, thị xã Đức Phổ) có 30 nhà dân bị ngập nước.
Lũ tràn qua các bờ sông, nhiều vị trí bị sạt lở, trong đó có đoạn bờ kè sông bị sụp mố bê tông kéo dài 15m, mái taluy bị sụt đe dọa các nhà dân cạnh sông. Mưa lớn khiến cho mực nước các sông Thoa, sông Vệ cũng dâng cao, nhiều vùng dân cư, công trình, dự án ven sông nguy cơ sạt lở, ngập lụt.
Khoảng 6 giờ sáng 24-11, tại km 36+600 của tỉnh lộ 624, đèo Eo Chim, thuộc địa phận xã Thanh An (huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi), hơn 45m3 đất đá từ vách núi đổ xuống đường. Điểm sạt lở đã gây ảnh hưởng giao thông tuyến từ xã Thanh An đi xã Ba Điền (huyện Ba Tơ) và ngược lại.
Tại tỉnh Bình Định, mưa lớn khiến cho tuyến đường đang thi công từ xã An Hưng (huyện An Lão) đi La Vuông (xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn) bị sạt lở nghiêm trọng. Địa phương đang duy trì phương án ứng phó thiên tai “4 tại chỗ”, chỉ đạo các địa phương huy động nhân lực để túc trực, kịp thời hỗ trợ người dân, xử lý các tình huống nguy cơ.
Theo Phòng TN-MT huyện An Lão, có 9 điểm đường, khu vực gần nhà dân trên địa bàn huyện bị sạt lở; 5 điểm sạt lở đường ở các xã An Quang, An Vinh, An Nghĩa (huyện An Lão). Mực nước hồ chứa Đồng Mít vượt dung tích chứa theo thiết kế; 5 hồ chứa còn lại ở huyện An Lão cũng đã tràn đầy.
Để ứng phó với diễn biến bất thường của mưa lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định mở tràn xả nước ở 2 hồ chứa lớn là Đồng Mít và Định Bình. Trong đó, hồ chứa Đồng Mít xả nước lúc 1 giờ sáng 24-11, hồ Định Bình xả lúc 10 giờ cùng ngày.
Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng mái đê hữu sông Đáy (ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) đe dọa trực tiếp đến tuyến đê và đời sống người dân, UBND TP Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái thượng lưu đê hữu sông Đáy.
Đồng thời, ban hành lệnh xây dựng công trình "Xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở mái đê hữu sông Đáy"; có kinh phí 7 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, mục tiêu thi công xong trước ngày 30-5-2025.
Sẵn sàng phương án di dời dân
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn làm nhiều tuyến đường ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My bị sạt lở, sụt lún nặng. Trong đó, quốc lộ 40B đoạn qua ngã ba Trà Giác bị sạt lở nghiêm trọng gây chia cắt 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Các đơn vị đã đưa lực lượng, máy móc khai thông tuyến trong ngày.
Mưa lớn đang tiếp diễn, biên độ lũ ở thượng lưu các sông lớn Quảng Nam cũng đạt 2-4m, dự báo xuất hiện lũ. Từ 8 giờ sáng 24-11, Thủy điện Sông Tranh 2, hồ Phú Ninh (hồ thủy lợi lớn nhất Quảng Nam) cũng đã xả điều tiết.
Tối 24-11, ông Hồ Văn Níp, Chủ tịch UBND xã Trà Tập (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đất đá từ taluy dương phía sau trường đã sạt xuống gây hư hỏng một mảng tường lớn tại điểm trường Răng Chuỗi (thuộc thôn 1, xã Trà Tập). Sau đó, đất đá tiếp tục tràn vào lớp học, gây hư hại nhiều bàn ghế, đồ dùng học tập của học sinh, rất may không có thiệt hại về người.
Trước đó, một đợt mưa lớn đã làm quả đồi phía sau điểm trường bị sạt lở taluy dương nên địa phương đã di dời học sinh, giáo viên về điểm trường cũ làm bằng gỗ để học tạm, chờ xây kè kiên cố cho điểm trường mới. Tuy nhiên, khi chưa kịp xây kè kiên cố thì xảy ra sự việc trên.
Điểm trường Răng Chuỗi với 2 phòng học, 1 phòng ngủ tập thể cùng hệ thống phụ trợ vừa khánh thành vào tháng 9-2024 có tổng kinh phí xây dựng hơn 1,4 tỷ đồng do các nhà hảo tâm tài trợ.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ lúc 10 giờ sáng 24-11, Ban quản lý hồ Tả Trạch (hồ chứa 500 triệu m3) đã điều tiết xả nước về hạ du với lưu lượng tăng dần khoảng từ 200-500m3/s; hồ thủy điện Bình Điền điều tiết về hạ du khoảng 200-350m3/s. Các hồ thủy điện và hồ thủy lợi khác trên địa bàn cũng điều tiết, xả đáy.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng phương án di dời hơn 50.000 người dân vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì cùng nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác để ứng cứu người dân trong trường hợp ngập lụt, chia cắt.