Theo dự báo của Đài khí tượng - thủy văn khu vực Trung Trung bộ, trong những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, đến chiều 16-10, nhiều địa bàn ở hạ du sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đang bị ngập nặng, nhiều tuyến đường ngập sâu, chia cắt. Hai bên bờ sông Trà Bồng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, ăn sâu vào khu vực nhà dân, đường giao thông. Mưa lớn cũng gây ngập nặng nhiều điểm trên đảo Lý Sơn. Địa phương đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ quân đội khơi thông dòng chảy, hỗ trợ người dân ứng phó với mưa lớn.
Cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra quân giúp dân ứng phó mưa lớn. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 1.850 hộ với 7.350 nhân khẩu ở 5 huyện miền núi nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở núi, bờ sông, bờ suối và lũ ống, lũ quét. Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương nắm kỹ địa bàn, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, mưa lũ.
Còn tại Quảng Nam, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thăng Bình, trong ngày 16-10, mưa lớn kèm theo gió lốc trên địa bàn khiến 2 người chết và mất tích. Mưa to kèm sóng lớn khiến 500m bờ biển tại phường Cẩm An (TP Hội An), 1km bờ biển xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) bị sạt lở. UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo các địa phương tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 112 hộ dân. Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, mưa lớn cũng làm sạt lở, hư hỏng và ngập cục bộ nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tuyến đường xã, huyện, tỉnh.
Trong ngày 16-10, tại Đà Nẵng mưa đã giảm so với những ngày trước đó, nhiều lực lượng đã có mặt tại khu vực đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) để hỗ trợ sửa xe, phát cơm miễn phí cho bà con khó khăn. Trung tá Phan Văn Trãi, Trưởng Công an phường Hoà Khánh Nam cho biết, sau khi nước lũ rút, công an phường phối hợp các lực lượng chức năng tổng dọn vệ sinh; hỗ trợ nước uống, cơm giúp bà con vượt qua khó khăn.
Chiều cùng ngày, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có thông báo cho các trường cho học sinh đi học lại từ ngày 17-10. Sở yêu cầu các đơn vị, trường học tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp; rà soát, kiểm tra phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy - học.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt. Triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đến sáng 16-10, các tuyến hẻm thuộc đường An Thạnh 10, đường Hồ Văn Mên và các tuyến đường khác thuộc khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh và các ấp trên địa bàn xã An Sơn, TP Thuận An, Bình Dương vẫn bị nước cô lập, nhiều người dân đã dùng ghe, xuồng di chuyển người già, trẻ em ra đường và tới trường. Cơn mưa lớn từ khuya 15-10 khiến hai cây cầu sắt bắc qua kênh tiêu Sóng Thần Đồng An bị cuốn trôi. Trước mắt, các lực lượng phòng chống thiên tai TP Thuận An sẽ tổ chức các nhóm gia cố bờ bao, dùng máy bơm hút nước ra ngoài, giúp dân ổn định cuộc sống.
Lãnh đạo Thành ủy TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết vừa yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai thành phố tới hiện trường khảo sát 2 cầu dân sinh bằng sắt trên địa bàn phường Vĩnh Phú bị sập và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa ngập.
UBND tỉnh Đồng Nai đã khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện Tân Phú về 7 vị trí sạt lở trên địa bàn, trong đó điểm sạt lở lớn nhất là khu vực thi công dự án Cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại ấp Phú Lâm 3 (xã Phú Sơn) có 12 hộ dân sinh sống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi yêu cầu huyện xử lý dứt điểm 7 vị trí sạt lở trong mùa khô tới, đảm bảo mùa mưa năm 2024 không tái sạt lở và đơn vị thi công dự án chống sạt lở đồi Phú Lâm 3 rút kinh nghiệm trong công tác thiết kế, thi công, đảm bảo hoàn thành vào tháng 2-2024.
Cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đến chiều 16-10, tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,5-15,5 độ vĩ Bắc và 110,5-111,5 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa. Các đài dự báo khí tượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chung nhận định, áp thấp này di chuyển khá chậm (chỉ 5km/giờ), có xu hướng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới khi di chuyển theo hướng Tây Bắc, lướt dọc vùng biển ngoài khơi Trung bộ.
Do tác động trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, khu vực Trung Trung bộ sẽ có mưa lớn trở lại do lượng mây từ Biển Đông đưa vào đất liền. Ngày 17-10, từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa lớn đến rất lớn với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 350mm. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Ngãi có nơi mưa rất lớn trên 200mm. Ngày 19-10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm. Tình trạng mưa lớn từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có xu hướng giảm dần từ chiều 18-10. Chiều 17-10, khu vực Tây Nguyên, Nam bộ và một số nơi ở Nam Trung bộ có thể mưa 30-60mm, có nơi trên 100mm.