Mưa lớn suốt đêm đến sáng, nhiều tuyến đường Đà Nẵng ngập sâu
Sáng 18-9, TP Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to. Một số khu vực có cường độ mưa trong 1 giờ rất lớn gây ngập cục bộ.
Ghi nhận tại tuyến đường Hoàng Diệu, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu), Hoàng Văn Thái (gần trạm xăng), Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu), Vân Đồn, Trần Thánh Tông (quận Sơn Trà)... mưa lớn gây ngập cục bộ.
Đặc biệt ở tuyến Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi mặt đường khá thấp trũng, người dân phải đi lên vỉa hè do nước ngập cao gần nửa bánh xe ô tô. Do ngập ở giờ cao điểm buổi sáng (khoảng 6 giờ 30 phút – 8 giờ) nên gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện.
>>>Một số hình ảnh ghi nhận mưa gây ngập đường ở TP Đà Nẵng:
Hà Tĩnh: Mưa lớn kèm lốc xoáy lúc rạng sáng khiến nhiều nhà dân bị thiệt hại
Sáng 18-9, ông Thân Viết Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khoảng 2 giờ sáng cùng ngày, trên địa bàn có mưa to kèm lốc xoáy khiến một số trụ điện hạ thế bị gãy đổ, rất may không gây thiệt hại về người.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm nói trên, lốc xoáy làm 2 trụ điện hạ thế bị gãy đổ, 1 trụ điện bị bung lớp bê tông phía dưới chân cột ở địa bàn thôn Yên Lạc (mỗi trụ điện có chiều cao khoảng 7,5m). Ngoài ra, một số cây xanh bị gãy đổ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị điện lực, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã nhanh chóng đến hiện trường khắc phục hậu quả, dời dọn trụ điện đổ, cắt tỉa, dọn dẹp cây đổ, vệ sinh môi trường.
Cùng thời điểm tại thôn Nam Sơn (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cũng xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy gây thiệt hại nhiều nhà dân và cây xanh. Ông Lê Doãn Khánh, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc thông tin, qua thống kê bước đầu có khoảng 12 nhà dân ở thôn Nam Sơn bị ảnh hưởng thiệt hại, trong đó chủ yếu là tốc mái che, công trình phụ trợ...
Ngoài ra, lốc xoáy cũng làm khoảng 200 cây phi lao ven biển được trồng từ khoảng 8-10 năm và 20m tôn che công trình dự án bị đổ ngã. Rất may, không có thiệt hại về người.
Ông Hoàng Kim Túy, Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn thôn Hà Phúc Đồng cũng xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy. Qua thống kê bước đầu, có 10 hộ dân bị ảnh hưởng thiệt hại tốc mái nhà ở, mái che, công trình phụ trợ. Rất may không gây thiệt hại về người.
Ngay sau khi lốc xoáy tan, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng đã nhanh chóng xuống hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh môi trường để ổn định đời sống.
Cùng thời điểm, tại một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh, một số cây xanh và biển quảng cáo bị gió lốc làm gãy đổ, chắn trên tuyến Quốc lộ 1A. Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã kịp thời có mặt, phối hợp phân luồng giao thông, sử dụng xe ô tô chuyên dụng, các vật dụng tiến hành di dời, cưa cắt, dọn dẹp cây xanh, biển báo ra khỏi lòng đường để bảo đảm giao thông được thông suốt, an toàn.
>> Một số hình ảnh thiệt hại do lốc xoáy ở Hà Tĩnh sáng 18-9:
Thừa Thiên Huế khẩn cấp khắc phục hậu quả lốc xoáy
Trong khi đó, sáng 18-9, ông Đào Hữu Bích, Chủ tịch UBND xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lúc 5 giờ 30 sáng cùng ngày, tại địa phương đã xảy ra cơn lốc khiến một người bị thương nhẹ và 7 hộ dân bị ảnh hưởng khi lốc xoáy làm hư hỏng nhà cửa và công trình phụ. Hiện các lực lượng xung kích địa phương đã đến hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà để ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới.
Cũng sáng 18-9, trên địa bàn xã Phú Hồ, huyện Phú Vang xảy ra lốc xoáy gây hư hại nhà cửa và hoa màu của người dân. Hiện chính quyền địa phương đang thống kê thiệt hại và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do lốc xoáy và mưa lớn gây ra.
Sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đã có thông báo gửi các địa phương, chủ hồ đập cập nhật cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông và sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, ở huyện Phong Điền, trượt lở đất đá vùng núi nguy cơ rất cao dọc tuyến đường 71 từ Phong Xuân đi đến các công trình thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1.
Ở thị xã Hương Trà, nguy cơ sạt lở các tuyến giao thông dọc tuyến Quốc lộ 49A đoạn qua các xã Bình Thành, Bình Tiến, Hương Bình, dọc tuyến đường đi vào thủy điện Hương Điền.
Ở A Lưới, nguy cơ trượt lở đất đá vùng núi tại khu vực Bốt Đỏ xã Phú Vinh, Lâm Đớt và các xã dọc đường Hồ Chí Minh.
Ở huyện Nam Đông nguy cơ cao trượt lở đất đá, mái taluy tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan nhất là đoạn qua xã Hương Phú, Hương Lộc, chú ý các cung đường đèo dốc, lưu ý các đoạn đã xuất hiện trượt lở trước đây...
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối… để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, địa bàn dễ bị chia cắt. Đồng thời, tổ chức lực lượng hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo ở các ngầm tràn, đoạn ngập sâu. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Quảng Ngãi: Lốc xoáy khiến 3 nhà dân tốc mái
Ngày 18-9, ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), xác nhận, 3 nhà dân trên địa bàn xã bị thiệt hại do lốc xoáy.
Theo đó, vào tối ngày 17-9 đã xảy ra trận lốc xoáy khiến 3 nhà bị tốc mái, cụ thể nhà ông Nguyễn Thành Tâm (xóm Hải Thạnh, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tốc mái hoàn toàn, nhà ông Nguyễn Cu (cùng xóm Hải Thạnh) bị tốc mái khoảng 40%, nhà ông Tiêu Ngọc Thành (xóm 8, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) bị tốc mái khoảng 50%. Lốc xoáy cũng khiến một số cây cối bị ngã đổ.
Đến sáng ngày 18-9, Đảng ủy, UBND xã Bình Hải chỉ đạo lực lượng đội xung kích sửa chữa khắc phục hậu quả. Rất may vụ lốc xoáy không gây thiệt hại về người, tàu thuyền địa phương.