Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, sau khi đi vào gần bờ biển Bắc Trung bộ, bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến chiều 14-10, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển ven bờ từ Nam Định đến Thanh Hóa. Từ đêm 14-10 đến sáng 15-10, vùng áp thấp tan dần.
Sáng 14-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó mưa bão tại tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn công tác đã tới kiểm tra tại các công trình: đê biển Hội Thống, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ và cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân); khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Cửa Sót (huyện Lộc Hà); hồ Bộc Nguyên, hồ Kẻ Gỗ, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ và một số vùng thấp trũng ở huyện Cẩm Xuyên và làm việc với UBND tỉnh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên, dự báo thời gian tới thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy địa phương cần tiếp tục triển khai xây dựng các phương án để ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 8 nên trong ngày 14-10 ở khu vực Bắc Trung bộ có mưa to và dông.
Ghi nhận tại TP Sầm Sơn, Thanh Hóa, gió không mạnh nhưng có mưa lớn. Dọc tuyến đường Hồ Xuân Hương, thuyền, bè mảng được đưa lên để kín. Chính quyền TP Sầm Sơn đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong lúc mưa to.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) cho biết, xã đã lên phương án sẵn sàng sơ tán hơn 200 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu sống ven biển, trong vịnh Vụng Ngọc khi bão, áp thấp đổ bộ, triều cường dâng. Hiện nay, nguy cơ lớn nhất tại địa phương là việc mưa lớn có thể gây sạt lở núi.
Tại Nghệ An, mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng tại Rú Nguộc (xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương), giao thông trên quốc lộ 46 bị ách tắc nhiều giờ. Trong ngày 14-10, một số thủy điện như: Bản Cốc, Châu Thắng, Sông Quang (huyện Quế Phong), Chi Khê (huyện Con Cuông) bắt đầu xả lũ.
Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tại Km78+400, có khoảng 1.200m³ đất đá, cây cối từ trên vách núi cao hàng chục mét bị sạt lở, đổ ập xuống chắn ngang quốc lộ 8A (địa bàn xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn). Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng các phương tiện lưu thông từ phía cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vào nội địa và ngược lại bị ách tắc nghiêm trọng.
Các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh và đơn vị của Tổng cục Đường bộ đã huy động người và phương tiện tập trung khắc phục sự cố. Tuy nhiên, do khu vực này tiếp tục có mưa, sương mù dày nên nguy cơ sạt lở vẫn rất cao. Lực lượng chức năng đã lập biển cảnh báo, cắt cử người điều tiết giao thông, canh gác ở 2 đầu điểm sạt lở để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Còn trên quốc lộ 8A, đoạn Km29 (địa bàn xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn), mưa lớn cũng đã khiến hàng chục khối đất đá, cây cối từ núi Nầm sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ. Lực lượng chức năng đã huy động người và phương tiện điều tiết giao thông, đặt biển cảnh báo và khắc phục sự cố trong ngày. Ngày 14-10, hơn 42.000 học sinh tại 107 trường học trên địa bàn huyện Hương Sơn và Nghi Xuân đã phải nghỉ học. Một số trường ở các địa phương tạm thời chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.
Tại Quảng Bình, chiều 14-10, UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, mưa bão đã làm sạt lở núi tại thôn 4 (xã Thanh Thạch), ảnh hưởng 3 hộ dân. UBND xã đã huy động dân quân, lực lượng địa phương di dời khẩn cấp 11 nhân khẩu của 3 hộ trên, sơ tán tài sản giá trị khỏi sạt lở núi.
Tại cuộc họp theo dõi tình hình cơn bão số 8 ngày 14-10 ở Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai thông tin, chưa ghi nhận thiệt hại về người và tàu thuyền trong bão số 8.
Xuất hiện thêm vùng áp thấp mới Từ đêm 15-10 đến ngày 18-10, trên dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung bộ tiếp tục xuất hiện một vùng áp thấp, kết hợp với không khí lạnh mạnh, có khả năng gây ra mưa to đến rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. |