Tại Quảng Nam, nước lũ từ đầu nguồn đổ về đã gây ngập, sạt lở nhiều đoạn thuộc tuyến đường DT606 khiến 5 xã Lăng, Tr’Hy, Gari, Axan, Ch’ơm (huyện Tây Giang) bị cô lập. Còn tại huyện Đại Lộc, đến chiều 8-10, mực nước trên sông Vu Gia đã vượt mức báo động 2 khiến một số khu vực xã Đại Lãnh, Đại Sơn bị ngập; một số đoạn của tuyến đường ĐT609 bị ngập sâu, chia cắt. Lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo không cho bà con qua lại.
Nước sông dâng cao, chảy xiết khiến tuyến đường độc đạo vào thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) với gần 1.500 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn. Nước lũ cũng đã cuốn trôi làm mất tích một người dân ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu) khi mang nông sản ra chợ bán vào sáng 8-10.
* Tại Quảng Trị, nhiều cầu tràn ở các xã Lìa, Xy, Thanh, Hướng Lộc, Hướng Việt, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa) bị ngập cục bộ, khiến việc lưu thông của người dân bị đình trệ. Riêng tại xã Hướng Việt mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến cầu tràn Tà Rùng bị ngập nặng làm cô lập thôn Ka Tiêng và thôn Tà Rùng (khoảng 150 hộ với hơn 500 nhân khẩu) với trung tâm xã.
Rạng sáng nay, do mực nước sông Sê Pôn dâng cao khiến nhiều khu vực dân cư ở thị trấn Lao Bảo bị ngập, tập trung chủ yếu khóm Duy Tân, Cao Việt, Vĩnh Đông… Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) cho hay, trong đêm 7-10, do mực nước dâng cao nên chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 195 hộ với hơn 682 nhân khẩu trên tuyến đường vành đai dọc sông Sê Pôn ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn. Đến sáng nay nước lũ cơ bản đã rút nên các hộ dân về dọn dẹp lại nhà cửa, đường sá bị ngập.
Trong khi đó, tại huyện Đakrông, đến chiếu 8-10, mực nước sông đã bắt đầu rút, các ngầm tràn, các điểm bị chia cắt ở các xã phía Nam của huyện cơ bản đã đi lại được. Riêng mực nước tại cầu tràn xã Ba Lòng vẫn cao hơn mặt tràn từ 2-3m.
* Ngày 8-10, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa ký công văn thống nhất chủ trương lắp đặt 8 trạm đo mưa Vrain phục vụ cộng đồng phòng tránh thiên tai. Mỗi trạm đo tự động gồm: cảm biến đo mưa; hệ thống thu thập, xử lý, truyền dữ liệu và tủ kỹ thuật… sẽ kịp thời cung cấp số liệu quan trắc cho công tác dự phòng, chỉ huy phòng tránh thiên tai tại các địa phương một cách nhanh nhất.