Kiệt sức với lũ
Là cư dân của phố biển Quy Nhơn (Bình Định) nhưng một bộ phận người dân ở phường Nhơn Phú bao đời nay vẫn trồng lúa nước mưu sinh. Những vùng bàu màu mỡ được người dân tận dụng tối đa để cày bừa, vừa sạ giống lúa thì gặp ngay lũ muộn liên tiếp khiến bà con nông dân khốn đốn. Giữa chân ruộng đang bị lũ vây ráp, bà Nguyễn Thị Chưa (56 tuổi, khu vực 3, phường Nhơn Phú) thất thểu cho biết, bà có 4 sào ruộng đã gieo sạ đến lần thứ 3 mà lúa vẫn chưa ngoi lên được. Cứ gieo giống, phun thuốc, bón phân thì lũ lại đổ về cuốn phăng mọi thứ. Ruộng đồng bị sa bồi thủy phá, cát, sỏi, rác rưởi, củi… đổ về chất đầy ruộng đồng.
Còn ở “rốn lũ” huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), bà con nông dân đang phải chạy sấp, chạy ngửa với lụt. Đợt lũ cuối năm tiếp tục nhận chìm trên 3.700ha lúa của bà con. Bà Lê Thị Cẩm (60 tuổi, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), nói như khóc: “Mọi năm, lũ cứ đến vào tháng 10 và đi vào tháng 11, năm nay đến cuối tháng 12 lũ mới đổ về. Mỗi mùa gieo sạ, tôi phải đến các chủ cửa hàng để khất nợ giống, phân, thuốc trừ sâu… Cả 5 sào ruộng mất hết 6 triệu đồng, chưa kể công. Tôi sạ lần thứ 2 rồi mà lúa vẫn chưa ngoi lên nổi. Giờ lấy giống, phân đâu mà sạ lại bây giờ…”.
Tại Phú Yên, những ngày đầu năm 2019, mưa lũ vẫn đang hoành hành. Nhiều chân ruộng vùng thấp, trũng của huyện Tuy An, TP Tuy Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân… chìm trong biển lũ. Hàng trăm nhà dân vẫn còn bị ngập nước 0,5 - 1m. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, mưa lũ từ đêm 28-12-2018 đến nay đã làm cho trên 2.500ha lúa bị ngập và hàng ngàn hécta lúa đang ngâm ủ chờ xuống giống cũng bị hư hại; trên 10ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị sa bồi thủy phá; nhiều công trình thủy lợi bị lũ phá hủy, thiệt hại nặng nề về nông nghiệp. Liên tiếp trong các ngày từ 29-12-2018 đến nay, mưa lớn, lũ trên các sông lên nhanh, hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi đồng loạt xả tràn tạo lũ kép chia cắt vùng hạ du. Tại Thừa Thiên - Huế, ngoài hơn 530ha lúa dài ngày mới sạ bị ngập úng, nguy cơ mất trắng thì hơn 23 tấn lúa giống đã ngâm ủ không gieo sạ được vì đồng ruộng ngập sâu, buộc người nông dân, chủ yếu tập trung tại huyện Quảng Điền và thị xã Hương Trà, phải dùng làm thức ăn cho gia cầm. Ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân thay thế giống dài ngày đã chết sang gieo cấy lúa ngắn ngày nhưng nông dân còn e ngại bởi, giống lúa ngắn ngày cho năng suất thấp, chất lượng không cao.
Dồn lực khôi phục sản xuất
Chỉ trong tháng 12-2018, tỉnh Bình Định, Phú Yên phải hứng chịu liên tiếp 2 trận lũ lớn. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, cơn lũ từ ngày 28-12-2018 đến 1-1-2019, đã làm ngập trên 11.300ha lúa của người dân, trong đó có gần 4.500ha lúa mới gieo sạ lại bị lũ cuốn trôi, hư hại hoàn toàn. “Lũ chồng lũ, gây thiệt hại nặng nề. Trước mắt, địa phương ưu tiên tập trung hỗ trợ dân khắc phục sa bồi thủy phá trên các đồng ruộng để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, lũ tàn phá ruộng đồng rất nặng nề nên công tác khắc phục vẫn chưa kịp thời, gây gián đoạn đến thời vụ sản xuất của bà con…”, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, nói.
Trong ngày 2-1, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng cho diện tích bị ngập úng, khắc phục tạm thời các đoạn đê nội đồng, các công trình bị hư hỏng để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân. Đồng thời, yêu cầu các địa phương thống kê thiệt hại để đề nghị UBND tỉnh và Trung ương hỗ trợ khẩn cấp về giống lúa xác nhận.
Theo ghi nhận, để khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ muộn gây ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân, ngành nông nghiệp các tỉnh miền Trung đang huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông dòng chảy, đồng thời phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời. Một chuyên gia nông nghiệp tại Huế cho biết, với diện tích lúa gieo cấy sớm, không bị ngập trắng, các địa phương thực hiện biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc đợt 2 và phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, bón phân qua lá cho lúa.
Với diện tích lúa ngập 2 - 4 ngày, thoát nước kịp, có khả năng hồi phục, diện tích này chủ yếu mới gieo cấy chưa quá 10 ngày, điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị rạp trên mặt nước; té nước rửa lá để không bị rong rêu, bùn đất bám trên bề mặt lá, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp. Đối với những vùng không có khả năng phục hồi, lúa bị thối lá, đen rễ, các địa phương khẩn trương bừa san lại ruộng, rút cạn nước và tranh thủ cấy ngay khi còn trong khung thời vụ. Nên sử dụng giống ngắn ngày ngâm ủ gieo mạ nền cứng hoặc gieo thẳng ngay nếu rút nước kịp thời. Trường hợp không còn thời vụ gieo cấy, sau khi nước rút tiến hành vệ sinh đồng ruộng và chủ động chuyển đổi sang trồng các loại rau màu phù hợp.