Phố đêm Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hoạt động từ tháng 3-2019 với 91 gian hàng ẩm thực, hàng lưu niệm... Tuy nhiên, chưa đầy 6 tháng sau, lượng khách suy giảm từ khoảng 500 lượt/ngày (tháng 3, tháng 4) xuống 300 lượt/ngày. Tháng 1-2020, khu vực này hoàn toàn vắng khách.
Đại diện UBND phường Thanh Khê Tây, cho biết, chủ đăng ký kinh doanh hầu hết là người địa phương, chưa có kinh nghiệm buôn bán, cũng chưa có những sản phẩm đặc sắc để thu hút du khách và người dân đến tham quan, mua sắm...
Cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng 12km, khách đến tham quan phố đêm Túy Loan cũng không nhiều. Theo chị Nguyễn Thị Viết Tình (lô 37, phố đêm Túy Loan), thời gian đầu, khách đến rất đông nhưng về sau càng vơi dần. Một số hộ nghỉ kinh doanh vì ế ẩm, các trường hợp khác không dám bổ sung thêm mặt hàng mới.
Tương tự, tại Thừa Thiên - Huế, trung tâm làng nghề 15 Lê Lợi, TP Huế (vị trí đắc địa, đẹp nhất bên phía bờ Nam sông Hương thơ mộng) từng được UBND TP Huế đầu tư xây dựng công trình rộng 3.260m² và cho Công ty CP Văn hóa Phương Nam thuê từ năm 2010 để phát triển thành địa chỉ ghé thăm của du khách khi đến Huế. Song, sau một thời gian hoạt động, trung tâm này đóng cửa và dần trở nên hoang phế.
Một cán bộ Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, ban đầu đây là trung tâm mua sắm, giải trí phức hợp lớn nhất và duy nhất tại Huế giới thiệu đầy đủ về các ngành nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền danh tiếng của đất cố đô, như: tranh pháp lam, tranh sơn mài, tranh thêu, khảm xương, khảm trai, đúc đồng, mạ bạc, nón Huế, diều Huế, các sản phẩm mây, tre, đan, gốm..., nhưng trong quá trình sử dụng và hoạt động, địa chỉ này đã trở thành quán cà phê, nơi bán sách, tổ chức triển lãm. Đến năm 2018, UBND TP Huế đã thu hồi mặt bằng để tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực.
Tại Diễn đàn Du lịch Huế 2022, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức không gian trưng bày giới thiệu các cơ sở và sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe của địa phương.
Ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, không chỉ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch đặc thù mà Diễn đàn du lịch Huế 2022 là cầu nối giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ; là dịp để giới thiệu quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên - Huế, một địa phương có thế mạnh về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch địa phương bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo các công ty lữ hành, miền Trung có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo. Tuy nhiên, khó khăn là tính liên kết ở các địa phương khu vực này chưa tốt, sản phẩm trùng lặp, không tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc liên kết giữa các địa phương trong khu vực sẽ mở rộng không gian du lịch, đa dạng thêm các sản phẩm đặc trưng vùng miền, du khách sẽ có nhiều lựa chọn cho chuyến đi. Trong đó, kết nối các địa phương xoay quanh Đà Nẵng để tạo một chuỗi liên kết vùng là rất quan trọng.