“Vỡ trận” chi phí xây dựng
Ở vùng lũ miền Trung, người dân đang xây dựng hàng chục ngàn căn nhà kiên cố nhằm chống bão và phòng tránh lũ; tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng (VLXD) như sắt thép, gạch, xi măng... và công thợ tăng giá quá cao khiến người dân “vỡ trận” trong chi phí xây dựng nhà ở.
Đang dọn lại đống vật liệu bên căn nhà xây dở, bà Hoàng Thị Tình (42 tuổi, Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nói: “Ban đầu tính toán làm nhà 2 tầng với 3 phòng ngủ có mái che tầm 1 tỷ đồng, chưa sắm nội thất, nhưng giá VLXD và công thợ tăng từ 40-45% khiến mọi thứ đội giá. Nay tính toán lại, làm xong nhà mà chỉ tô, không thể sơn, phần mái cũng đành để lại lúc nào có tiền mới hoàn thiện. Giá cả đã tăng thêm 300 triệu đồng vẫn không xong”.
Sau nhiều năm làm lụng tích góp, đầu năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Hòa (xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) khởi công xây dựng căn nhà dự tính 500 triệu đồng. Tuy vậy, giá VLXD tăng chóng mặt khiến toàn bộ kế hoạch của anh Hòa bị phá sản. “Giá thép tăng quá nhanh nên dự tính của chúng tôi vỡ kế hoạch. Giờ đội vốn lên đến gần cả trăm triệu đồng, rất khó cho người dân không nhiều tiền”, anh Hòa chia sẻ.
Tại tỉnh Bình Định, nhiều doanh nghiệp đang than thở vì giá VLXD, nhất là giá thép, đồng loạt tăng cao. Theo tìm hiểu, giá thép tăng kiểu “phi mã”, từ 40%-50%. Thép cuộn phi 6 từ 12.000 đồng/kg vào năm 2020, đến nay đã tăng lên 18.000-20.000 đồng/kg. Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, giá thép trên địa bàn tăng cao đã tác động rất lớn đến các dự án, công trình tại địa phương. Sở này nhận định, giá thép quý 2-2021 tăng đột biến, gần chạm đỉnh của khủng hoảng thép từng xảy ra vào năm 2008.
Đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Kiến trúc KingHome (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, từ giữa cuối năm 2020, đơn vị đã ký trên 10 hợp đồng chìa khóa trao tay cho khách hàng với đơn giá của năm 2020, áp dụng trong năm 2021; nhưng mọi thứ tăng đột biến khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.
Tìm cách tháo gỡ
Theo ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, đơn vị đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về tác động từ biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng trên địa bàn. Trong đó, tác động mạnh nhất là đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công, khi giá thép tăng đột biến khiến giá trị xây dựng, tổng mức đầu tư các công trình tăng theo. Chi phí đầu tư các công trình nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, giao thông tăng từ 2%-4% khiến tổng mức đầu tư đội giá từ 2%-3%. Đặc biệt, chi phí xây dựng các công trình cầu đường bộ tăng trên 10%, tổng mức đầu tư đội giá lên gần 7%; chi phí đầu tư công trình dân dụng tăng gần 11%, tổng mức đầu tư gần 9%. Hai loại công trình này tăng vượt chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá tối đa 5%.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Định đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi công công trình, góp phần đảm bảo tiến độ thi công, hạn chế ảnh hưởng tăng giá VLXD. Ngoài ra, Bộ cần hướng dẫn cụ thể việc điều chỉnh giá hợp đồng cho các công trình đã ký kết theo hình thức hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định. Thời gian tới, Nhà nước cần ban hành chính sách hướng dẫn bù giá cho các loại vật liệu có giá tăng đột biến trong quý 2-2021 và có chính sách điều tiết ở tầm vĩ mô để ổn định giá VLXD trong thời gian tới.
Ông Hoàng Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, cho hay, hiện nay giá VLXD tăng khá cao, trong đó giá thép tăng đột biến ảnh hưởng đến đầu tư công nói riêng và đầu tư xây dựng nói chung. Giá VLXD tăng dẫn đến nguy cơ tăng mức đầu tư hoặc một số nhà thầu không thực hiện được hợp đồng. Hiện tại, sở đang cập nhật tình hình diễn biến giá VLXD trên địa bàn nhằm công bố kịp thời mỗi tháng một lần, để các tổ chức, cá nhân tham khảo áp dụng.
Theo ông Thái, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục theo dõi, khảo sát và công bố giá gốc VLXD trên địa bàn tỉnh phù hợp với diễn biến giá thị trường theo quy định. Trong đó, sẽ kiểm tra kỹ các thông báo giá, tránh tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc một số chủng loại tăng giá để tăng theo trong khi không có đủ căn cứ yếu tố tăng giá. Sở Xây dựng sẽ từ chối công bố giá gốc VLXD của các tổ chức, cá nhân khi các thông báo tăng giá không phù hợp.
Khu vực Nam Trung bộ có hàng loạt công trình, dự án đã và đang xây dựng. Giữa thời điểm này, giá thép và một số loại vật liệu đồng loạt tăng khiến các địa phương, doanh nghiệp lao đao. Cảnh tương tự diễn ra ở các tỉnh phía Bắc miền Trung. Ông Lương Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Trường Minh (tỉnh Quảng Bình), cho biết, các đơn vị đấu thầu bị mắc kẹt vì đơn giá vật liệu được duyệt từ năm 2020, vốn đã thấp hơn so với thị trường, nay tăng “phi mã” nên không công trình nào có lãi, chỉ làm cầm chừng để có việc. |