Miền Trung khẩn trương ứng phó với bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, ngay trong ngày 26-10, các địa phương ở miền Trung khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Các lực lượng chức năng hỗ trợ tàu cá neo đậu an toàn ở âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng), hạn chế va đập khi bão đổ bộ. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Các lực lượng chức năng hỗ trợ tàu cá neo đậu an toàn ở âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng), hạn chế va đập khi bão đổ bộ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Từ đầu giờ chiều 26-10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa cùng gió cấp 3 do ảnh hưởng bão số 6. Tỉnh này đã dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì tôm cũng như dự trữ tại chỗ nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân ở các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập do mưa, bão gây ra.

Sáng cùng ngày, đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý, gia cố bờ biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP Huế). Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế điều động 100 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện máy móc, sử dụng 2.350m2 vải lọc, 700m3 đá hộc và hàng ngàn bao cát để đắp gia cố bờ biển dài khoảng 300m, ngăn chặn sạt lở bờ biển đang xảy ra ở khu vực này.

Tại tỉnh Quảng Nam, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang hành quân về cơ sở hỗ trợ người dân ở các địa bàn ven biển chằng chống nhà cửa, trụ sở, tuyên truyền nhân dân trên các lồng bè sơ tán tránh nguy hiểm. Đồng thời, giúp người dân thu hoạch lúa trước khi bão đổ bộ. Tỉnh Quảng Nam lên phương án sơ tán 212.000 người trước khi bão đổ bộ vào theo hình thức xen ghép các nhà kiên cố hoặc đến các cơ quan công sở, trường học.

* Ở khu vực ven biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), nhiều ngư dân thuê xe cẩu đưa tàu thuyền có công suất nhỏ lên vỉa hè đường Hoàng Sa. Tại đường lên bán đảo Sơn Trà, nhiều ngư dân gấp rút chằng dây buộc cố định, dùng bạt bao phủ che chắn cho những con thuyền đã được cẩu lên bờ, tránh tình trạng sóng biển dâng cao kéo tàu thuyền ra biển.

Ông Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, cho biết, do số lượng tàu thuyền cập bến âu thuyền Thọ Quang tránh trú bão vượt quá công suất nên đơn vị huy động tối đa lực lượng tổ chức sắp xếp để có thêm không gian cho tàu thuyền khác và hướng dẫn cho ngư dân neo đậu an toàn.

Cùng ngày, lực lượng chức năng thực hiện chốt chặn ở nhiều điểm là đường lên bán đảo Sơn Trà để tập trung ứng phó với bão số 6 và nguy cơ sạt lở đất đá.

* Tại tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành neo đậu tàu thuyền trước 17 giờ ngày 26-10, triển khai các lực lượng chức năng phối hợp cùng các địa phương sơ tán người dân tại những vùng xung yếu, trũng thấp đến nơi an toàn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, việc di dời dân phải hoàn thành trước 7 giờ ngày 27-10.

Huyện Bình Sơn được xem là vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất của tỉnh Quảng Ngãi khi bão đổ bộ vào đất liền, nên trong ngày 26-10, có khoảng 1.700 hộ, 4.900 nhân khẩu được sơ tán đến các trường học; UBND, trạm y tế các xã...

CN7a.jpg
Bộ đội tỉnh Thừa Thiên Huế huy động thêm 100 cán bộ, chiến sĩ về khu vực ven biển huyện Phú Vang để xử lý, gia cố các điểm sạt lở. Ảnh: VĂN THẮNG

* Trong ngày 26-10, PV Báo SGGP ghi nhận tại các xã ven biển huyện Thạch Hà và huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), ngư dân tập trung kéo tàu lên tập kết dọc bờ cát cao, vào các khu rừng phi lao phòng hộ, hoặc đưa vào trong vườn nhà dân, đường giao thông để tránh trú và chằng néo đảm bảo an toàn trước bão số 6.

* Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tạm ngừng khai thác 4 sân bay tại khu vực miền Trung vào một số khung giờ trong ngày 27 và 28-10 do ảnh hưởng của bão Trami.

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài sẽ tạm ngừng khai thác từ 6 giờ đến 22 giờ ngày 27-10. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ tạm ngừng khai thác từ 6 giờ ngày 27 đến 4 giờ ngày 28-10. Cảng hàng không Đồng Hới tạm ngừng khai thác từ 6 giờ đến 19 giờ ngày 27-10. Cảng hàng không Chu Lai tạm ngừng khai thác từ 10 giờ ngày 27 đến 10 giờ ngày 28-10.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cảng vụ hàng không miền Bắc và miền Trung được yêu cầu thông báo đến các hãng hàng không, kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn khai thác tại các cảng hàng không theo quy định.

* Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết, đến chiều 26-10, tâm bão số 6 (Trami) chỉ còn cách bờ biển miền Trung hơn 300km. Trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã ghi nhận gió mạnh cấp 6. Trên đất liền Trung bộ đã có mưa lớn, mở đầu cho đợt mưa lớn kéo dài, nguy cơ ngập úng, lũ quét.

Tâm bão đã di chuyển nhanh theo hướng Tây đến vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, có gió mạnh cấp 11, giật cấp 14, tốc độ 20km/giờ. Từ chiều 26 đến chiều 27-10, bão giữ hướng Tây, di chuyển với tốc độ 15-20km/giờ, duy trì cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Sáng 27-10, tâm bão tiếp cận vùng biển ngoài khơi Trung Trung bộ, tiếp tục gây gió mạnh và sóng lớn.

Sau đó, bão có thể đổi hướng Tây Nam với tốc độ giảm xuống còn 5-10km/giờ. Từ thời điểm này, bão số 6 sẽ có quỹ đạo di chuyển rất phức tạp, thời gian lưu trên biển dài. Một số trung tâm dự báo quốc tế nhận định, sau khi di chuyển vào đất liền Trung bộ, cơn bão số 6 sẽ bị hút ngược trở ra ngoài biển.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trên đất liền từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, từ sáng 27-10, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Đồng thời, khu vực này sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 300-500mm, có nơi trên 700mm. Khu vực Hà Tĩnh, Bình Định và Bắc Tây Nguyên cũng có mưa lớn, nơi cao nhất có thể đạt 300mm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý, bão có thể gây ra những đợt mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn. Diễn biến của bão số 6 còn phức tạp, người dân cần cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo bão để chủ động ứng phó.

* Ngày 26-10, Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết đang phối hợp với UBND các huyện vùng Đồng Tháp Mười triển khai nhiều phương án giúp dân ứng phó với nước lũ dâng cao, đảm bảo kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ người dân tổ chức bơm tiêu nước tại các ruộng lúa, rau màu bị ngập úng, kéo giảm thiệt hại. Ngành nông nghiệp Long An cũng gia cố, sửa chữa nhiều đê bao, bờ bao, cống yếu, có nguy cơ vỡ; vận hành tối đa công suất các trạm bơm, hệ thống thủy lợi để tiêu thoát nước, chống ngập.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Long An và các địa phương sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra; đảm bảo các phương án ngăn lũ, triều cường, không để xảy ra sự cố vỡ đê gây ngập úng kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Sơ tán hơn 600 người dân trên đảo

Cập nhật đến 17 giờ ngày 26-10 từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), lực lượng chức năng ở miền Trung đã kiểm đếm, hướng dẫn an toàn cho 67.212 tàu thuyền với 307.822 ngư dân phòng tránh cơn bão số 6, đảm bảo không có tàu nào nằm trong vùng nguy hiểm.

Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã thực hiện lệnh cấm biển từ chiều 26-10, còn tỉnh Quảng Bình cấm từ 0 giờ ngày 27-10.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 26-10, Quảng Nam đã sơ tán xen ghép tại chỗ cho 78 hộ dân (222 người) trên đảo Cù lao Chàm, trong khi Quảng Ngãi sơ tán 134 hộ (412 người) trên đảo Lý Sơn. Công tác đảm bảo an toàn cho người dân được triển khai nhanh chóng, kịp thời để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.

Tin cùng chuyên mục