Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đây là đợt thiên tai trái mùa, rất dị thường so với mọi năm. Bởi hiện đang là đầu mùa khô ở miền Trung, khu vực này chưa bước vào mùa mưa lũ vì hàng năm mùa mưa lũ ở miền Trung thường xảy ra từ tháng 9 đến 11.
Dự báo trong thời gian tới, dông lốc, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... còn tiếp tục xảy ra.
Các địa phương cần khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về thủy sản, sản xuất nông nghiệp; tiêu nước đệm ở hạ du; đồng thời tổ chức thường trực tại các hồ chứa, chủ động tích nước thượng nguồn (không xả) để hỗ trợ thu hoạch lúa vùng hạ du...
Chiều 1-4, tại vùng neo đậu tàu thuyền bãi Nồm (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, Bình Định), anh Nguyễn An Vinh (45 tuổi, thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, chủ tàu cá BĐ 0610 TS), cho biết: “Sóng bất ngờ và cao lắm, tôi chưa từng thấy cơn sóng nào lớn như vậy, cứ cuồn cuộn bứt hết neo các tàu thuyền đang neo đậu ở bãi Nồm rồi nhấn chìm tất cả. Giờ con tàu trị giá gần 100 triệu đồng bị phá nát, máy móc hư hại, tôi không biết vay mượn ai để đóng lại tàu mưu sinh”.
Vùng bờ biển xã An Hòa Hải, làng biển Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên) trở nên xơ xác sau trận càn quét của mưa và gió lốc vào rạng sáng 31-3. Vùng biển này có 91 tàu thuyền bị nhấn chìm, 2.450 lồng tôm hùm giống (790.000 con) đang thả nuôi ven bờ bị sóng tàn phá.
Sáng 1-4, TP Quy Nhơn đã trích kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi hộ dân bị thiệt hại ở xã Nhơn Lý. Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã có hàng trăm phần quà chia sẻ cùng các ngư dân. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Tài chính phân bổ kinh phí từ ngân sách tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng cho mỗi ngư dân có tàu 20-50CV bị chìm; 5 triệu đồng cho ngư dân có tàu dưới 20CV bị hư hại.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế thông tin, trước mắt, tỉnh ưu tiên tìm kiếm 2 ngư dân mất tích và lên phương án trục vớt xác tàu. Nhiều ngư dân đã vay số tiền rất lớn từ ngân hàng để nuôi tôm hùm nhưng giờ mất trắng, nguy cơ lâm cảnh nợ nần. Tỉnh sẽ làm việc với ngân hàng để cơ cấu lại nợ cho các ngư dân bị thiệt hại.
Tại Quảng Ngãi, mưa lớn những ngày qua đã làm cho 4.500ha lúa vụ đông xuân ngã đổ, ngập nước. Ngược ra hướng Quảng Nam, gần 20.000ha lúa đang trong thời kỳ thu hoạch ở các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc... bị ngập sâu trong nước, ngã đổ; các loại hoa màu bị ngập úng, giập nát.
Chiều 1-4, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, tại địa bàn huyện Đakrông, mực nước sông trên địa bàn lên nhanh làm ngập lụt các cầu tràn, trong đó tràn Ba Lòng (xã Ba Lòng) và tràn Tà Rụt - A Vao (đường vào trung tâm xã A Vao) ngập khoảng 0,3m, tràn Ly Tôn (xã Tà Long) ngập khoảng 0,5m khiến giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Lúc 11 giờ 45 ngày 1-4, tại khu vực mỏ đá tại xã A Tiêng (huyện Tây Giang, Quảng Nam) có 3 người lái xe máy múc đi qua cầu ngầm bị nước lũ từ đầu nguồn đổ về cuốn trôi. 2 người bơi vào bờ an toàn, còn anh Đoàn Viết D. (36 tuổi, quê Hải Phòng) bị nước lũ cuốn mất tích.
* Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của mưa, lũ và dông lốc trái mùa trên diện rộng từ vùng biển tới đồng bằng và miền núi, trong các ngày từ 31-3 đến 1-4, tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã có mưa rất to, lượng trung bình đạt 200-300mm, riêng tại Thừa Thiên - Huế đạt 473mm.
Mưa lớn kèm theo dông lốc diện rộng trên đất liền và ven biển, sóng lớn ngoài khơi của các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên đã tạo tổ hợp thời tiết nguy hiểm, gây thiệt hại về người, tài sản, nhất là tại Phú Yên.
Cập nhật đến chiều 1-4, mưa lũ, dông lốc đã làm 1 người chết, 1 người mất tích do chìm ghe tại Phú Yên; 2 nhà sập, 37 nhà tốc mái; 221 ghe, thuyền chìm; 2.450 lồng bè thiệt hại tại Phú Yên. Mưa lũ đã làm 48.420ha lúa và 6.857ha hoa màu tại Quảng Nam, Phú Yên và Bình Định bị ngập úng.