“Xóa” mùa thấp điểm du lịch
TP Đà Nẵng, ngay trong mùa mưa lạnh, các hoạt động du lịch vẫn diễn ra rầm rộ với nhiều sự kiện, hội thảo... Các đoàn khách công vụ (MICE), khách tự do đến càng nhiều. Không chỉ lưu trú trong khách sạn để tham dự hội thảo, hội nghị, họ còn thăm thú, mua sắm, vui chơi ở nhiều địa điểm nổi tiếng.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, sau khi hết kỳ nghỉ hè, bước vào năm học mới, nguồn khách nội địa giảm hẳn và do đặc tính không chuộng du lịch trong mùa mưa lạnh nên những tháng cuối năm thị trường này lác đác nhưng bù lại có nguồn khách quốc tế khi các chuyến bay thẳng lần lượt được kết nối tới Malaysia, Ấn Độ… Một số khách sạn cũng đã kín phòng vào dịp Noel, chào năm mới.
Tương tự, các tour du lịch gắn liền với di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình… vẫn là điểm thu hút khách quốc tế vào những tháng cuối năm. Theo ghi nhận, du khách khi đến Huế thích thú được trải nghiệm các hoạt động gắn với cuộc sống người dân bản địa thông qua các sản phẩm du lịch mới như du lịch nhà vườn, du lịch đầm phá, du lịch cộng đồng… Họ tự tay chế biến các món ăn đặc sản Huế, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Huế.
Ngược vào tỉnh Quảng Nam, do có khí hậu ấm áp quanh năm, khách quốc tế thường chọn nơi này là điểm đến để chơi golf, nhất là vào những tháng mùa đông. Ông Steve Wolstenholme, Chủ tịch kiêm CEO Hoiana Resort & Golf cho biết, đây là hướng đi tiềm năng để Quảng Nam phát triển du lịch trái mùa, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm khi thị trường khách nội địa không còn sôi động.
Chiến lược phù hợp
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, tài nguyên, hạ tầng, chất lượng dịch vụ, quản lý điểm đến của Đà Nẵng rất bền vững, tạo được sự khác biệt so với các điểm đến khác. Đây chính là lợi thế để thu hút khách. Các sự kiện được tổ chức chủ yếu để thúc đẩy thêm vào những dịp cần gia tăng nguồn khách có độ nhạy cao. Còn với khách từ các thị trường châu Âu, Australia, Mỹ thường đi du lịch theo tài nguyên, văn hóa, cơ sở dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực… nên đa phần các doanh nghiệp sẽ hướng đến việc gia tăng trải nghiệm cho dòng khách này nhiều hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngành du lịch Đà Nẵng đã có sự chuyển dịch trong việc xây dựng sản phẩm cũng như tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động trong các giai đoạn khác nhau để thu hút khách. Nhiều sự kiện lớn, nhiều đoàn khách MICE liên tục đến Đà Nẵng trong thời gian qua, góp phần xóa đi khoảng cách du lịch theo mùa. Mới đây, Đà Nẵng còn có thêm đường bay thẳng với Kuala Lumpur giúp kết nối tốt với khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…, tạo cơ hội thu hút khách đến địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng, Australia luôn là thị trường khách truyền thống và đứng thứ 3 trong tốp 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu đến Quảng Nam. Khách quốc tế đặc biệt quan tâm đến du lịch văn hóa, du lịch golf, du lịch xanh bền vững của tỉnh Quảng Nam. Để tăng sức hút điểm đến, từ tháng 9 đến hết tháng 11, tỉnh Quảng Nam diễn ra chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 “Mùa vàng xứ Quảng” nhằm tạo cho du khách những trải nghiệm mùa vàng thân thương với các sản phẩm như: phố cổ rêu phong, hương vị đồng quê (đi xe đạp, xe máy, dọc các con đường làng ven Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn), Hội An mùa nước nổi, Lễ hội mừng lúa mới…
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, do đặc thù dòng khách mùa này khá thích thú với việc trải nghiệm văn hóa, di sản, vì vậy ngành du lịch tỉnh này tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm hướng đến phát triển du lịch bền vững thông qua các hoạt động giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; hình thành các tour du lịch xanh, du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với văn hóa di sản mang lại bầu không khí trong lành cho du khách. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm và hiểu hơn nét văn hóa độc đáo của vùng đất Cố đô Huế.