Tại Quảng Ngãi, đến chiều 23-10, mưa lớn gây ngập cục bộ tại nhiều nơi. Tại nút giao tuyến đường Phan Bội Châu, Nguyễn Tự Tân, Mạc Đĩnh Chi, Hùng Vương ở TP Quảng Ngãi, nước ngập từ 0,2-0,5m. QL1A qua huyện Bình Sơn nhiều điểm bị nước tràn qua mặt đường, CSGT túc trực điều tiết và cảnh báo khu vực nước sâu.
Ngày 23-10, nhiều hồ chứa tại Quảng Nam điều tiết xả lũ khiến chính quyền các địa phương phải sơ tán hàng trăm hộ dân khu vực hạ lưu, thấp trũng đến nơi an toàn. Nhiều khu dân cư tại các xã Tam Đàn, Tam An (huyện Phú Ninh) nước lên nhanh gây ngập lụt, có nơi sâu trên 1m.
Tại Km987 đến 988 trên tuyến QL1A qua địa bàn huyện Phú Ninh ngập sâu trên 0,4m, các lực lượng ứng trực hỗ trợ người dân di chuyển. Huyện Phú Ninh điều động lực lượng, phương tiện đến những vùng ngập lụt, sẵn sàng công tác cứu trợ, sơ tán dân đến nơi an toàn. Qua rà soát, có gần 300 hộ dân thuộc diện phải di dời.
Ngoài ra, huyện Phú Ninh cũng chỉ đạo các xã Tam Lãnh, Tam Lộc khẩn trương rà soát thực hiện phương án di dời các hộ dân sống ven sườn đồi núi, nguy cơ sạt lở đất. Tại các huyện miền núi như Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang đã chuẩn bị hàng trăm tấn lương thực dự trữ để đề phòng sạt lở gây chia cắt.
Cùng ngày, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại TP Huế và các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ qua các huyện Phong Điền, Quảng Điền ngập cục bộ từ 0,3-0,5m, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chính quyền xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) đã di dời 33 hộ dân với 120 khẩu vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi trú an toàn vào sáng 23-10.
Ngay trong ngày 23-10, Đồn biên phòng Ra Mai tổ chức vận chuyển khẩn cấp 5 tấn gạo vào vùng Lòm để bà con người Khùa, Mày, Trì, Thổ (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) ứng phó với mưa lũ.
* Ngày 23-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký công điện về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung bộ. Những ngày vừa qua, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, làm một số người bị chết, mất tích. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với khó khăn, mất mát của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có người bị nạn.
Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân trong những ngày tới, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh trong khu vực chịu ảnh hưởng khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng, gia đình chính sách; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ bị mất nhà, không để người dân bị đói, rét. Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Lưu ý bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân gặp nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân cư; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.