Miền Trung: Đầu xuân, khát lao động biển

Thiếu hụt lao động biển, nhất là lao động đánh bắt xa bờ đang gia tăng dọc dải miền Trung trong khoảng 7 năm trở lại đây. Đầu xuân Giáp Thìn 2024, do nhu cầu vươn khơi “đón lộc” tăng mạnh nên cơn khát lao động biển càng trầm trọng. Nhiều tàu cá đành phải nằm bờ vì tìm không được bạn tàu hoặc ra khơi thiếu bạn khiến chuyến biển đầu xuân gặp nhiều gian truân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

“Đỏ mắt” tìm bạn tàu sau tết

Sáng 20-2, tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), 6 tàu cá xa bờ đang tất bật bốc đá lạnh, nhu yếu phẩm để vươn khơi đầu năm. Ra tết, ngư dân Lê Văn Tá (55 tuổi, ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) cho xuất bến 2 tàu cá 700-750 CV hành nghề câu cá ngừ đại dương và giữ chà cho các tàu bủa lưới vây ở quần đảo Trường Sa.

v1d-9359.jpg
Hàng ngàn tàu cá đánh bắt xa bờ nằm bến chờ ra khơi ở “thủ phủ” đánh bắt xa bờ lớn nhất miền Trung - Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

Nghe chúng tôi hỏi thăm về tình hình lao động biển, lão ngư Tá rầu rĩ than, khoảng 7 năm trở lại đây, ngư dân dọc tuyến Nam Trung bộ đều kêu trời vì thiếu hụt bạn tàu - lao động nghề biển. Ra tết này, mỗi tàu để có bạn ra khơi phải trả tiền trước 8 triệu/1 thuyền viên, 10 triệu/tài công (thuyền trưởng) thì mới đủ người vươn khơi trong 1 tháng. Lao động chủ yếu độ tuổi từ 45-55, thậm chí 60 tuổi chứ trẻ hơn gần như không tìm được.

Ngồi bên mạn tàu, ông Võ Thành Nhất (51 tuổi, thị xã Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 96902 TS, lo lắng: “Để có đủ bạn tàu vươn khơi đầu năm, tàu tôi chi hàng trăm triệu đồng. Giờ có tiền chưa chắc tìm được bạn tàu, vì “cò” lao động biển họ ôm hết, nhiều chủ tàu phải chi thêm 500.000 đồng/người mới có được bạn tàu”.

Ở cửa biển Sa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi), nhiều chủ tàu do không tìm được lao động biển trong tỉnh đành phải phải vào tận các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên... để thuê bạn tàu và “đặt cọc” rất cao. Ngược ra các cửa biển ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, khắp nơi chủ tàu cá xa bờ đều than vãn thiếu hụt lao động biển.

Tại cửa biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhiều chủ tàu cá cho biết, ngư dân trẻ phần đông xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc... nên đầu năm nhiều tàu lâm cảnh khốn đốn. Xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) là một trong những địa phương có đội tàu chuyên đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Nghệ An.

v3b-7143.jpg
Nhiều tàu cá ở tỉnh Bình Định ra khơi đầu xuân thiếu hụt lao động biển. Ảnh: NGỌC OAI

Từ sau tết, nhiều tàu đánh bắt xa bờ đang gặp “khủng hoảng” vì đa số lao động trẻ đã xuất khẩu lao động sang Đức, Đài Loan, Hàn Quốc... Theo khảo sát, trong số hơn 130 tàu chuyên đánh bắt xa bờ của Quỳnh Lập thì có đến 30 tàu đang phải nằm bờ, không thể vươn khơi vì thiếu lao động.

Nan giải bài toán hụt lao động biển

Gia đình ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) có đội tàu thuộc diện lớn nhất xã với 7 tàu đánh bắt xa bờ. Mỗi tàu trung bình có 7-8 lao động, “mở biển” từ ngày mùng 6 tết. Hiện đội tàu này đang đánh bắt cá trích, mực và các loại cá khác ở Vịnh Bắc bộ, qua tháng 2 Âm lịch sẽ ra đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa (Việt Nam). Để giữ được “quân” cho đội tàu này, gia đình ông Hải phải trả lương người thấp nhất 10 triệu đồng/tháng, cao nhất 15-16 triệu đồng/tháng. “Mình sống nghĩa tình, có trước có sau, khi được mùa cũng như lúc bấp bênh mình luôn san sẻ, công bằng với người lao động thì mới mong anh em gắn bó lâu dài với mình”, ông Hải chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân chủ yếu thiếu lao động nghề biển tại tỉnh này là do điều kiện làm việc khó khăn, vất vả nhưng thu nhập không cao. Một số lao động biển chuyển qua làm công ty, xí nghiệp. Tại Bình Định, địa phương có đội tàu cá xa bờ rất lớn, trên 3.200 tàu nên thường cần gần 30.000 lao động xa bờ. Tuy nhiên, hiện số lượng lao động biển xa bờ đang thiếu hụt lớn, nhiều tàu cá ở Bình Định ra khơi chỉ có 5 thuyền viên, trong đó có 1 thuyền trưởng, 2-3 thợ máy. Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) là “thủ phủ” đánh cá xa bờ lớn nhất miền Trung với 2.200 tàu, trong đó có 1.000 tàu cá câu cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, 7 năm trở lại đây, áp lực thiếu hụt lao động biển và suy giảm nguồn lợi khiến đội tàu câu cá ngừ đại dương ở Hoài Nhơn lâm vào tình cảnh khó khăn, liên tục lỗ, phải nằm bờ hoặc tìm cách chuyển đổi nghề mới.

“Thiếu hụt lao động biển khiến các chủ tàu phải bỏ thêm chi phí lớn để thuê bạn tàu, thậm chí phải đi các tỉnh khác để thuê lao động không có tay nghề và kinh nghiệm nên chịu nhiều hệ lụy, rủi ro”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, chia sẻ.

Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của Việt Nam, cứ sau mỗi mùa Tết Nguyên đán, các chủ tàu lại “đỏ mắt” tìm kiếm lao động biển. Những ngày cuối tháng 2 dương lịch, thời tiết khá thuận lợi nhưng tại các cảng cá lớn của Bình Thuận như Phan Thiết, La Gi, Tuy Phong,... nhiều tàu không thể ra khơi vì không đủ bạn tàu.

Đầu năm mới Giáp Thìn, chủ tàu Nguyễn Thế Hiển (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã định ngày ra khơi với 12 thuyền viên. Đến gần ngày ra khơi, ông Hiển phải chạy khắp nơi để tìm bạn tàu, vì 6 lao động từ chối không đi. Tại cảng cá Phan Thiết, nhiều chủ tàu phải chấp nhận những lao động không có kinh nghiệm hoặc huy động người nhà để chuyến biển có thể ra khơi như dự định. Dù đã phải chạy đôn chạy đáo để tìm lao động, nhưng hàng loạt tàu cá vẫn thả neo nằm bờ vì không có bạn tàu.

Bình Định: Trúng đậm “lộc biển” đầu xuân, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

Ngày 21-2, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, 3 ngày qua, từ 19-2 đến 21-2 (tức mùng 10 đến 12 tháng Giêng) nhiều tàu cá tại địa phương liên tục trúng đậm mẻ ruốc biển và cá cơm, thu về hàng chục đến hàng trăm triệu đồng trong mỗi ngày đánh bắt.

Ngày 21-2, hơn 100 tàu cá ở Nhơn Lý ra khơi hành nghề kéo lưới ruốc và cá cơm. Khoảng 9 giờ sáng, tại bến cảng Tây Nam làng biển Nhơn Lý hàng chục tàu kéo lưới ruốc biển trở về cảng, trên khoang mang theo từ 1 đến 3 tấn ruốc biển tươi rói bán cho các thương lái. Trên vùng biển gần bờ, hàng chục tàu cá khác cũng nhộn nhịp đánh bắt trên biển, kéo nhiều mẻ lưới đầy ắp ruốc biển, cá cơm. Hiện, giá ruốc biển tươi từ 12.000 - 22.000 đồng/kg, cá cơm từ 22.000 - 30.000 đồng/kg.

Do mật độ đàn ruốc biển, cá cơm đầu năm xuất hiện dày nên nhiều tàu cá của ngư dân Nhơn Lý trúng đậm, có nhiều tàu (mỗi tàu từ 5-10 ngư dân) thu trên 3 tấn, thu về 45 triệu đồng/ngày; có tàu thu về cả trăm triệu đồng/ngày. Sau khi chia ra, nhiều ngư dân thu về hàng triệu đồng/ngày ra khơi.

NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục