Đền Ngàn Trụ (thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng với lối kiến trúc cổ và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi thời gian, thiên tai, khiến di tích này mục nát, hư hỏng. Tại thượng điện và trung điện, mái ngói có nhiều chỗ bị nứt vỡ khiến nước thấm dột vào bên trong. Nhiều phần gỗ áp mái bị mốc meo nham nhở, mối mọt, mục nát, phải dùng dây chằng néo tạm bợ. Không chỉ vậy, do nằm sát bờ sông, độ dốc cao, khiến đất đá, nền gạch trong khuôn viên đền bị sạt lở; các khối bê tông, đường dạo, tường rào… bị nứt nẻ ngang dọc, khả năng sạt lở bất cứ lúc nào.
Theo ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia, để tu bổ, bảo tồn di tích, nhất là khẩn cấp xây dựng tuyến kè kiên cố dài khoảng 200m ngăn sạt lở bờ sông, đe dọa di tích đền Ngàn Trụ cần phải có kinh phí lớn nhưng nguồn ngân sách của địa phương rất khó khăn. Nhiều lần địa phương đề xuất lên huyện, tỉnh nhưng chưa có kết quả. Còn ông Võ Văn Trình, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hương Khê, cho rằng, thời gian tới khu vực di tích lịch sử văn hóa đền Ngàn Trụ sẽ nằm trên tuyến đường du lịch vào thác Vũ Môn, vừa gắn liền với du lịch văn hóa tâm linh, vừa phát triển du lịch sinh thái bền vững. Vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo di tích là cấp thiết.
Tương tự, thành Điện Hải (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1988, thế nhưng nhiều công trình, nhà cửa đã xây dựng xâm phạm nghiêm trọng vào cả vùng đệm và vùng lõi - yếu tố gốc của di tích. Đến nay, TP Đà Nẵng đã giải phóng được hàng chục nhà dân và nhiều công trình, trả lại khuôn viên di tích thành Điện Hải.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, từ năm 2017 đến nay, TP Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp để từng bước bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích thành Điện Hải. Để bảo vệ và phát huy di tích, Đà Nẵng không chỉ giải tỏa khu nhà làm việc Trung tâm Thể thao người lớn tuổi, CLB Thái Phiên, mà còn dừng hẳn dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ thành phố ở phía Bắc thành Điện Hải; vận động 80 hộ dân chuyển dời nhà cửa ra khỏi tường thành ở phía Tây; chuyển Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay ra khỏi di tích.
Nằm giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong một thời gian dài, Hải Vân quan bị “bỏ quên” giữa đỉnh đèo Hải Vân bởi rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Nhưng nay, di tích độc đáo này đã “sống lại” với sự hợp tác của Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Hơn 5 tháng khởi công, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan đã hoàn thành việc tháo dỡ các kết cấu lô cốt xây mới bằng bê tông cốt thép và gạch thẻ thời Pháp, Mỹ trên cổng Hải Vân quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; hạ giải và tu bổ 5 lô cốt quân sự; xây dựng hệ tường chắn đất bằng đá hộc, hệ thống đường dạo bằng bê tông giả đất với tỷ lệ đạt hơn 30%...
Ông Hạ Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, cho biết, trong quá trình thực hiện dự án này, các sở ngành, đơn vị, địa phương của Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế chủ động tháo gỡ những vướng mắc để tạo điều kiện triển khai dự án một cách nhanh nhất, sớm hoàn thiện và đưa công trình vào hoạt động phục vụ người dân và du khách.