Chủ động phòng dịch
Tỉnh Bình Định được xem là “vựa heo” lớn nhất miền Trung với trên 800.000 con. Để phòng chống dịch, tỉnh này đã cấp, phát cho các địa phương trên 10 tấn thuốc sát trùng, đồng thời tiếp tục dự trữ trong kho 5 tấn thuốc sát trùng để cấp bù khi cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Định, phòng chống dịch bệnh vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu. “Phải nhanh chóng tiêu hủy heo chết khi dịch xuất hiện để hạn chế mầm bệnh lây lan”, ông Quốc khuyến cáo.
Tương tự, tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, dù đến thời điểm này đàn heo vẫn an toàn với dịch tả heo châu Phi, tuy nhiên, ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định, tỉnh không chủ quan với dịch bệnh.
Cụ thể, tỉnh đã cấp trên 10.000 lít hóa chất để vệ sinh sát trùng cho 34 trại heo ở các địa phương. Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng liên tục kiểm tra, mang các mẫu heo gửi đi xét nghiệm khi có khả nghi.
Mới đây Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y cấp phát khẩn cấp 1.152 lít Benkocid cho các địa phương nhằm tiêu độc khử trùng. Riêng huyện Hòa Vang do là địa phương chăn nuôi gia súc nhiều nên đã được cấp bổ sung thêm số lượng khoảng 5.000 lít Benkocid để huyện chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn…
Tại một số địa phương của tỉnh Quảng Nam, nỗi lo nhất hiện nay chính là dịch lở mồm long móng trên gia súc. Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, từ cuối tháng 12-2018 đến nay, bệnh lở mồm long móng đã và đang xảy ra tại khoảng 220 hộ chăn nuôi ở 40 thôn thuộc 23 xã, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số gia súc mắc bệnh khoảng 845 con (chủ yếu là heo).
Huy động tổng lực
Không chỉ các cấp ngành, địa phương cấp tập phòng chống dịch, các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan.
Theo ông Võ Ngọc Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp - dịch vụ Duy Đại Sơn (thôn Phú Nhuận 2, Duy Tân, Duy Xuyên), từ khi có thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc, HTX đã gấp rút thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng dịch cho 1.600 con heo của mình.
“Hơn 2 tuần qua, HTX tuyệt đối không cho người lạ vào khu vực trang trại chăn nuôi heo. Tất cả đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nhân công được yêu cầu ở lại trang trại, không về nhà. Toàn bộ các tuyến đường nội bộ trong khu vực trang trại được chúng tôi rải lớp vôi bột rất dày. Những chiếc xe tải chở thức ăn cũng như các loại vật tư khác buộc phải dừng lại phía ngoài khuôn viên và các nhân công tiến hành trung chuyển vào bên trong. Ngoài ra, HTX cũng đã mua khẩn cấp 4 tấn hóa chất Benkocid và Iodine để thực hiện việc phun tiêu độc sát trùng chuồng trại, quanh khuôn viên với tần suất 2 lần/ngày”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Nam, cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn chưa xuất hiện tại Quảng Nam. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm và chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Đồng thời ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả heo châu Phi.
Đặc biệt, cơ quan thú y tỉnh cũng đã phối hợp với chính quyền 4 địa phương gồm Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, Hiệp Đức lấy 7 mẫu phủ tạng trên heo mắc bệnh để xét nghiệm virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi, tai xanh, dịch tả heo cổ điển. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 7 mẫu phủ tạng đều âm tính với 3 loại bệnh vừa nêu”, ông Nam chia sẻ.
“Tôi đã chỉ đạo các cấp phải tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó bệnh dịch tả heo châu Phi mà UBND tỉnh đã ban hành. Đồng thời, thiết lập 2 điểm chốt chặn tạm thời trên tuyến quốc lộ 1A ở 2 đầu của tỉnh, bố trí lực lượng liên ngành túc trực thường xuyên để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn Quảng Nam, nhất là heo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết.