Chiều 26-11, tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị công tác phòng chống thiên tai năm 2021 tại các tỉnh miền Trung.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2020, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại miền Trung làm 249 người chết, mất tích; 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái; 473.449 lượt nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại trên 36.000 tỷ đồng
Từ giữa tháng 9-2021 đến nay, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão và 5 đợt mưa lớn với tổng lượng phổ biến từ 800-1.500mm, một số nơi mưa lớn trên 2.000mm. Bão, mưa, lũ gây thiệt hại lớn về người, tài sản và làm ảnh hưởng đến công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nếu công tác dự báo có thể thu hẹp phạm vi thì việc ứng phó từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở rất là thuận lợi và chủ động. Hầu hết các địa phương ở miền Trung đều có sự tương đồng về địa hình, khí hậu nên đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) tổ chức thêm những hội thảo để các địa phương chia sẻ cách làm hay để học tập, rút kinh nghiệm lẫn nhau.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2020, thiên tai xảy ra, địa phương thấy rằng, phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai là cực kỳ quan trọng. Vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã thông qua 2 Nghị quyết HĐND, sắp xếp, di dời 7.000 hộ dân cư, nhất là vùng nguy cơ sạt lở trên vùng núi và giảm thiểu di dân trong điều kiện vừa phòng chống bão vừa phòng chống Covid-19. Đặc biệt, theo ông Bửu, chủ trương trồng rừng là giải pháp lâu dài trong phòng chống thiên tai tại địa phương.
"Chúng tôi khuyến khích người dân trồng sâm Ngọc Linh tại 7 huyện với phương châm có cánh rừng mới trồng sâm vừa mang lại kinh tế cho dân vừa bảo vệ rừng, thích ứng an toàn với biến đổi khí hậu”, ông Bửu thông tin.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị, cần xây dựng đề án trồng rừng theo từng khu vực, đặc biệt rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển; yêu cầu các tàu thuyền đăng ký cảng neo đậu để trú, tránh bão, tránh trường hợp một điểm neo đậu quá nhiều tàu thuyền tiềm tàng nguy cơ cháy nổ. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, nghiên cứu để giải quyết bài toán ngập lụt ở khu vực miền Trung, đặc biệt là TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) sao cho phù hợp điều kiện thực tiễn mưa, bão lũ, tập quán sinh sống con người đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ còn có thể xảy ra trong tháng 12-2021, đảm bảo an toàn về người và sản xuất, nhất là sắp đến vụ Đông Xuân 2021-2022…
“Hiện không chỉ số lượng dân số tăng lên mà số lượng khu công nghiệp, trung tâm kinh tế-xã hội tại miền Trung ngày càng nhiều. Nếu xảy ra tình trạng ngập lụt thì thiệt hại vô cùng lớn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để giải quyết, góp phần hoàn thiện chương trình tổng thể về xây dựng phòng chống thiên tai của quốc gia”, ông Hoài cho hay.