Nhiều ngày qua, các HTX nông nghiệp ở xã Hương Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đều huy động tối đa các loại máy bơm điện, bơm dầu để đấu úng đồng ruộng ngập sâu sau khi bà con xã viên đắp đập, be bờ.
Ông Đặng Duy Phụng, nông dân xã Hương Phong, cho biết, toàn bộ lúa gieo sạ khoảng 10 ngày tuổi tại địa phương đều bị chết úng do mưa lớn bất thường cuối năm 2021. Trong khi giống lúa dài ngày bà con gieo xưa nay giờ trễ vụ quá 10 ngày, không thể sạ lại. Còn sử dụng giống ngắn ngày thì như “đánh bạc với trời” vì không hợp với đồng ruộng thấp trũng.
Theo ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), phương án tối ưu mà ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương lúc này là khẩn cấp đấu úng, làm lại đất và hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang gieo sạ các giống ngắn ngày.
Tại các xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Bắc... thuộc huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), nông dân nhiều ngày qua phải “bám” đồng ruộng đợi nước rút để kịp sạ lại vụ lúa đông xuân lần thứ 5. UBND huyện Hòa Vang đã hỗ trợ giống để nông dân gieo sạ trở lại.
Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Vang, cho biết, mưa lớn từ ngày 24 đến 28-12 làm ngập úng, hư hại khoảng 1.390ha lúa đông xuân vừa gieo sạ. 140 tấn giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ Đà Nẵng đã được huyện phân phát khẩn cấp để nông dân kịp ngâm ủ, sạ lại.
Ông Trương Xuân Tý, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết, mưa lớn những ngày cuối năm 2021 khiến gần 6.000ha lúa đông xuân và 2.400ha hoa màu các loại bị hư hỏng. Trước mắt, những diện tích lúa đã xuống giống dài ngày ngập úng nhưng còn lá và rễ chưa thối đen thì cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân đấu úng, rửa bùn toàn bộ lá. Đồng thời tiến hành tỉa, dặm để đảm bảo mật độ phân bố đều trên ruộng và bón phân giúp cây lúa phục hồi nhanh. Những diện tích lúa chết úng thì ngành nông nghiệp tỉnh sẽ cung cấp giống cực ngắn (dưới 90 ngày) để nông dân gieo lại hoặc gieo mạ trên cạn rồi cấy khi đồng ruộng cạn nước cho kịp thời vụ. Riêng diện tích rau màu hư hại không thể khắc phục thì địa phương hướng dẫn bà con tận thu sản phẩm và bố trí sản xuất cây trồng khác phù hợp với thời vụ hoặc sản xuất các loại rau ăn lá ngắn ngày để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.