Tập truyện Những truyện ngắn hay viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Hoài Dương bao gồm những truyện đã để lại dấu ấn đẹp đẽ trong lòng bao thế hệ các em nhỏ như Em bé và bông hồng, Cây lá đỏ, Cô bé Mảnh Khảnh, Cuộc phiêu lưu của những con chữ, Những đóa hồng bạch dâng tặng Andersen…
Bao trùm lên bầu không khí truyện ngắn của Trần Hoài Dương là sự trong veo thơ mộng của thời thơ ấu, là trí tưởng tượng mênh mang, khiến vạn vật đều có linh hồn sống động.
Như trong truyện ngắn Cô bé Mảnh Khảnh, chúng ta có thể lắng nghe được rất nhiều tiếng nói của những loài cây trong một khu vườn đua sắc. Tiếng nói của hoa hồng, hoa cúc, hoa mặt trời…, mỗi loài một sắc hương, một giọng điệu, đã được người viết dùng trí tưởng tượng rộng mở mà quan sát, lắng nghe.
Ở đó có một loài cây dáng gầy guộc, chỉ cao mãi cao mãi mà không ra hoa, loài cây ấy mang trong mình nỗi băn khoăn, tự hỏi mình là ai, để rồi, người viết thương mến gọi nó là cô bé Mảnh Khảnh. Qua bao mùa, rồi cũng đến ngày giữa trời thu lơ đãng hương thơ dịu ngọt đã đánh thức cả khu vườn. Chợt nhận ra hương hoàng lan dịu dàng. Cô bé Mảnh Khảnh ngày nào sau bao ngày chờ đợi đã biết mình mang tên Hoàng Lan, lặng lẽ tỏa hương trong đêm sâu.
Tuyển tập "Những truyện ngắn hay viết cho thiếu nhi" của nhà văn Trần Hoài Dương Trần Hoài Dương đã dùng ngòi bút của mình để vẽ lên bức tranh thiên nhiên xinh đẹp, khơi dậy lòng yêu mến thế giới xung quanh của mỗi đứa trẻ. Thế giới ấy, với người lớn có thể trôi đi cùng với vòng xoáy ào ạt, chỉ có trẻ thơ mới có thể cất lên tiếng trò chuyện cùng cây cối, muông thú xem chúng là “bạn chí thân”.
Tình bạn của chú chim non với cậu bé nhân vật tôi trong Quà tặng của chú chim non, hay cậu bé Quỳnh với chú chó Ki trong Bạn chí thân, cô bé với cây bàng trong Sắc đỏ… đều khơi gợi những giàu có trong tâm hồn trẻ thơ.
Viết cho thiếu nhi, Trần Hoài Dương viết giản dị, thuần khiết, gợi nên nhiều những nét nhỏ bé nhưng đẹp đẽ, chân thành. Cũng chính bởi thế, mỗi trang văn của ông, đều dẫn dắt người đọc đến những vùng cảm động tha thiết. Ở trong trang viết của ông, vạn vật đều trở thành nhân vật chính, đều được khắc họa, bày tỏ đầy đẹp đẽ, lưu luyến.
Ấy là đàn chim sẻ trong cuộc đi tránh rét, là cây hoa gạo nở đỏ giữa trời (Đàn chim sẻ); là chú Ếch Cốm nhỏ bé trong lớp học vui vẻ của thầy giáo Cóc (Chuyện vui về chú Ếch Cốm); cây xấu hổ mỗi lần thấy gió ào đến là co rúm lại (Cây nhút nhát), ấy là chiếc lá xanh bình thường nhưng luôn được bạn bè yêu mến (Chiếc lá); là áng mây luôn dũng cảm dù thấy đau đớn thế nào cũng không than thở (Áng mây)… Thế giới đẹp xinh ấy, khiến bao nhiêu đứa trẻ đã reo vui.
Những đứa trẻ có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trong những loài vật ấy, có thể nghe tiếng nói của mình, tìm thấy những người bạn đồng điệu ấy trong từng trang văn của Trần Hoài Dương. Không cần cầu kỳ, không cần cốt truyện phức tạp, chỉ bằng sự lắng nghe tiếng nói sâu thẳm của tâm hồn, mỗi truyện ngắn của Trần Hoài Dương đều được yêu mến.
Đọc truyện ngắn của nhà văn Trần Hoài Dương, trẻ nhỏ như thích thú chạy theo ông, líu ríu cười nói, theo ông tỉ mỉ ngắm nhìn vạn vật xung quanh, thỉnh thoảng cất lên tiếng reo vui phấn khích. Mỗi điều trong mắt nhà văn, đều tràn đầy cảm hứng yêu thương đối với mỗi đứa trẻ. Đọc truyện ngắn của ông như là ngắm nhìn người ông cùng bầy trẻ nhỏ ngồi giữa vườn cây, rủ rỉ rủ rỉ…. Viết cho trẻ thơ, thật cần biết bao cái hồn nhiên chân thành ấy. Cũng nương vào nét hồn nhiên ấy mà xây nên cả một miền thơ ấu thơm thảo, là nơi để những đứa trẻ cười vui, hòa nhịp, lại cũng là nẻo về của biết bao nhiêu trái tim trưởng thành, để tưới mát tâm hồn mình, trong xốn xang yên lành.
Trần Hoài Dương dành cả đời của mình để viết truyện cho thiếu nhi. Mỗi truyện của ông đều chất chứa những điều bao dung đẹp đẽ với cuộc đời. Không mang nặng những giáo điều dạy dỗ nhưng từ mỗi câu chuyện ngắn, thấm đẫm chất trong trẻo, vui tươi đều là những dung dưỡng thăm thẳm cho mỗi đứa trẻ, trong hành trình lớn lên của chúng.
Truyện ngắn của Trần Hoài Dương là kỷ niệm của biết bao thế hệ học trò, nhận được vô cùng nhiều yêu mến của những người bạn bè, trong đó nhà thơ Hoàng Cát đã dành cho Trần Hoài Dương rất nhiều lời khen: "Theo tôi, cái phần đặc sắc nhất để làm nên một Trần Hoài Dương riêng biệt, một Trần Hoài Dương nhà văn độc đáo - ấy là các truyện ngắn dành cho lứa tuổi học trò. Ở những truyện ngắn loại này, tôi có thể khẳng định rằng, mỗi mẩu chuyện là một áng thơ, văn xuôi từ hình thức, nhịp điệu, lời văn đến mạch cảm xúc bên trong của tác phẩm".
Nhà văn Trần Hoài Dương đã xuất bản hơn 20 tác phẩm, trong đó có 5 tác phẩm là truyện dài. Tác phẩm đầu tay Em bé và bông hồng (NXB Kim Đồng, năm 1963) khi ông mới tròn 20 tuổi; Nắng phương Nam (NXB Kim Đồng, năm 1998) có trích in trong SGK lớp 3 tập 1; Miền xanh thẳm (truyện dài, NXB Kim Đồng, năm 2000) đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001. Ngoài ra còn nhiều kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó đã có 5 kịch bản được dựng thành phim. |
THỦY NGUYỆT