Kích hoạt phương án dự trữ hàng hóa
Theo ngành công thương các tỉnh Tây Nam bộ, nhằm cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm đảm bảo nguồn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống, ngành công thương đã đề nghị doanh nghiệp (DN) xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm sản xuất, kinh doanh tại đơn vị; các siêu thị, cửa hàng tiện lợi xây dựng kế hoạch cung ứng, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường với giá ổn định.
Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở này đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các DN, siêu thị, hệ thống cửa hàng bách hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang kích hoạt lại các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19.
Theo đó, có 5 cấp độ, từ cấp 1 (giả định có trường hợp mắc Covid-19 tại địa phương) đến cấp 5 (có từ 3.000-30.000 trường hợp mắc Covid-19) tương ứng với giá trị dự trữ hàng hóa từ 763 đến 885 tỷ đồng. Các loại hàng hóa dự trữ bao gồm: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng, thủy hải sản, rau củ, mì tôm, muối ăn, dầu ăn, nước đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh... Về hệ thống phân phối hàng hóa, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 28 cửa hàng bách hóa và 72 chợ phân bố ở 8 huyện, thị xã, thành phố, luôn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Khi có tình huống khẩn cấp, các đơn vị có liên quan sẵn sàng phối hợp triển khai sử dụng xe chuyên dụng phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực cần phong tỏa, cách ly để phòng chống dịch.
Với TP Cần Thơ, qua quá trình triển khai thực hiện theo công văn của UBND TP Cần Thơ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, đến nay có 17 DN đăng ký tham gia. Trong đó, 11 DN đăng ký dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm với tổng mức hàng hóa dự trữ giá trị trên 553 tỷ đồng, tập trung các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt các loại, thủy hải sản, rau củ quả, mì ăn liền, nước uống đóng chai, thực phẩm chế biến, trứng... Một số DN đăng ký tham gia dự trữ sản phẩm khác như: khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, xăng dầu để phục vụ công tác sẵn sàng phòng chống dịch. Hiện Sở Công thương Cần Thơ đã phối hợp với Cục QLTT TP Cần Thơ thành lập 3 tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các DN sản xuất trên địa bàn. Sở cũng đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đã xây dựng phương án chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo các cấp độ (cấp độ từ 0-4); phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện thống kê hàng hóa, cách thức cung ứng hàng hóa cho người dân trong khu vực cách ly...
Tương tự, Sở Công thương Đồng Tháp cho biết vừa có công văn yêu cầu các trung tâm thương mại, các siêu thị, các Ban quản lý chợ, các đơn vị khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác phòng chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Sở công thương cũng yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Kịp thời thông tin về sở khi đơn vị gặp khó khăn trong dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân phòng chống dịch.
Kênh phân phối tăng gấp đôi lượng hàng
Thực hiện chỉ đạo của ngành chức năng, các DN đã chủ động lên phương án sản xuất, cung ứng hàng hóa còn nhà phân phối tích cực làm việc với nhà cung cấp để dự trữ hàng đa dạng, giá ổn định. Cụ thể ở Cần Thơ, theo bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Co.opmart Cần Thơ, lượng hàng hóa dự trữ trong kho tại Co.opmart Cần Thơ khoảng 18 tỷ đồng. Đặc biệt các loại thực phẩm như: đường, muối, gạo, trứng, đồ hộp, mì gói... được dự trữ rất nhiều, giá không tăng nhằm hỗ trợ khách hàng. Siêu thị tăng cường dịch vụ bán hàng qua điện thoại và mua hàng qua app. Cùng với hệ thống toàn quốc, Co.opmart đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng cho người dân với giá tốt nhất. Cùng với đó, Co.opmart Cần Thơ có thể cung cấp suất ăn nóng phục vụ tối đa 1.000-1.500 suất/ngày...
Tại Co.opmart Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, những ngày qua, hàng hóa tại đơn vị được trưng bày phong phú, đa dạng, sức mua có phần ổn định. Hiện tại, ngoài việc triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19, đơn vị đẩy mạnh nhận đặt hàng qua điện thoại và giao tận nhà cho khách hàng ở nội thành với hóa đơn 200.000 đồng trở lên. Siêu thị thường xuyên tuyên truyền yêu cầu 5K của Bộ Y tế nhằm phổ biến thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 với các biện pháp phòng chống đến toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động.
Tại Vĩnh Long, ông Văn Quốc Hoàng, Giám đốc Co.opmart Vĩnh Long cho biết: Hiện siêu thị tập trung tăng nguồn dự trữ các nhóm mặt hàng thiết yếu người dân có khả năng tích trữ để dùng lâu dài, như: nhóm đồ hộp, gạo, nhóm gia vị, hàng đông lạnh, nhóm đồ nguội (chả lụa, chả giò), sữa, rau củ quả, thịt cá tươi sống. Theo đó, lượng hàng tăng gấp đôi so với lượng hàng bán bình quân. Song song đó, siêu thị có kho hàng, đặt hàng 1 ngày là có, kéo hàng về liên tục để phục vụ nhu cầu thị trường, đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng. Siêu thị cũng tăng cường bán online, qua điện thoại, qua zalo tăng hơn so với năm trước 30%. Hàng tháng, siêu thị có chương trình khuyến mãi, giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng.
Theo ngành công thương các tỉnh Tây Nam bộ, cùng với việc dự trữ hàng hóa, các tỉnh còn tiếp tục tuyên truyền và khuyến cáo người dân bình tĩnh trước mọi tình huống bởi hàng hóa thiết yếu luôn đảm bảo đầy đủ. Đặc biệt, đề nghị người dân không mua tích trữ số lượng nhiều các mặt hàng thiết yếu dẫn đến hàng hóa thiếu cục bộ và gây bất ổn thị trường, nhất là các mặt hàng dễ cháy nổ như xăng, dầu…