Trong khi đó, năm 2023, lũ chính vụ ở miền Tây mức thấp trong khi mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023 - 2024 là rất lớn. ĐBSCL cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn trong khu vực.
Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đo độ mặn trên các cửa sông để kịp thời khuyến cáo các giải pháp ứng phó |
Cục Thủy lợi nhận định: Mùa khô năm 2022-2023, xâm nhập mặn ở ĐBSCL xảy ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm; một số thời điểm tương đương năm 2015-2016, 2019-2020. Cụ thể, nhận định diễn biến xâm nhập mặn tại các cửa sông như sau: tháng 11 và 12-2023, ranh mặn 4‰ ở mức 25-30km. Đến tháng 1 và 2-2024, ranh mặn 4‰ vào sâu từ 55-65km, cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm. Phạm vi ảnh hưởng dự kiến vượt qua các công trình kiểm soát mặn, nhất là vào các kỳ triều cường, kết hợp gió mạnh.
Hệ thống ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé tại Kiên Giang |
Cục Thủy lợi khuyến cáo: Các tỉnh ĐBSCL cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, khuyến cáo về kế hoạch sử dụng nước của các cơ quan chuyên môn; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản có khả năng xảy ra để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp. Đồng thời, bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Các tỉnh ĐBSCL kiến nghị: Bộ NN-PTNT tiếp tục bố trí kinh phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các giải pháp dài hạn nhằm chủ động đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn ở ĐBSCL.