Miền Tây căng mình ứng phó hạn mặn và sụt lún đất

Cuối mùa khô, nước ngọt cạn dần, nước mặn có điều kiện xâm nhập vào các cửa sông, lấn sâu vào nội đồng. Miền Tây đang chật vật ứng phó, song hạn mặn xâm nhập sớm hơn dự báo, đã và đang để lại hậu quả không nhỏ cho các địa phương: giao thông thủy khó khăn; sụt lún đất...

Khó chồng khó

Chúng tôi đến vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau vào những ngày đầu tháng 3-2024 nắng như “đổ lửa”. Hạn hán đang gây thiệt hại rất lớn cho người dân nơi đây - dù thời điểm này chưa phải là cao điểm của mùa khô hạn. Do nước trong hệ thống kênh rạch bị xuống thấp, một số nơi bị khô cạn, nên nông dân, thương lái phải vận chuyển lúa từ ruộng đến nơi tập kết bằng đường bộ.

Trong khi đó, nhiều tuyến đường bộ cũng đang trong tình trạng sụt lún, sạt lở, được chính quyền địa phương cho hạ tải. Chi phí vận chuyển lúa bằng xe máy, xe tải nhỏ trên đường bộ từ ruộng đến nơi tập kết từ 250.000 - 500.000 đồng/tấn (tùy cự ly), tăng gần gấp đôi so với vận chuyển bằng đường thủy qua các mương rạch như trước. Hiện nông dân chỉ bán được 8.800-9.600 đồng/kg đối với các giống lúa Đài Thơm 8, OM (giảm hơn 1.000 đồng/kg so với trước tết).

d2a-6219.jpg
Vận chuyển lúa bằng xe máy bán cho thương lái ở Cà Mau làm gia tăng chi phí từ 250.000 - 500.000 đồng/tấn. Ảnh: TẤN THÁI

Theo UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), hiện trong vùng ngọt hóa hầu như ngày nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún. Qua thống kê, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn có 117 tuyến đường bị sụt lún, sạt lở đất với 428 vị trí, tổng chiều dài hơn 11.200m, trong đó đường bê tông dài hơn 8.180m, ước tính thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng. Điều đáng nói là thiệt hại tiếp tục gia tăng theo từng ngày.

Ông Kiều Minh Tiếng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, tính đến đầu tháng 3-2024, trên địa bàn các xã, thị trấn vùng ngọt hóa đã khắc phục tạm được 34 điểm với tổng chiều dài hơn 900m; đối với nhà ở ven sông, kênh, rạch đã gửi thông báo cảnh báo để người dân di dời tài sản, vật nặng ra khỏi khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất cao được 113 trường hợp. Lắp 250 biển cảnh báo, rào chắn, giăng dây, biển cảnh báo hạn chế giao thông tại các điểm bị sụt lún; thực hiện thay các bảng giảm tải trọng các tuyến đường...

Những ngày này, nhiều người dân trên địa bàn xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng, khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tiền (ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch), cho biết: “Người dân tập trung tìm nguồn nước ngọt, nhưng trạm cấp nước chỉ đủ cho phía đầu nguồn, phía cuối nguồn không còn một giọt”!?”.

Theo người dân địa phương, không chỉ nước từ trạm cấp nước tập trung thiếu, mà nước từ các ghe chở đem đổi cho dân cũng khan hiếm và chờ rất lâu. Nguyên nhân vì người dân thiếu nước “đều trời” nên ai cũng tranh nhau đổi nước, mà ghe đổi nước thì có hạn nên chờ rất lâu.

Vận hành hệ thống cống ngăn mặn

Do mặn đến sớm và gay gắt, ngày 3-3, cống Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) đã vận hành kiểm soát mặn đóng 7/11 cửa, các ngày kế tiếp sẽ vận hành theo kế hoạch. Đối với cống Cái Bé (tỉnh Kiên Giang), ngành chức năng sẽ phối hợp vận hành đóng khi triều lên, mở tiêu rút khi triều xuống.

Tại Tiền Giang, sau khi cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành được Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) đóng vào ngày 1-3 nhằm ngăn mặn xâm nhập, ngày 3-3, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đang theo dõi sát diễn biến của thời tiết. Trong trường hợp thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, tỉnh Tiền Giang sẽ đề nghị ngành nông nghiệp tổ chức bơm chuyền ngay; tuyệt đối không để thiếu nước sản xuất, nhất là đối với diện tích Đông Xuân năm 2023 - 2024.

Riêng với gần 20.000ha cây ăn trái nằm dọc sông Tiền hiện tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp 6 cống trên tỉnh lộ 864, khi mặn xâm nhập, sẽ đóng cống ngay để bảo vệ. Ngoài ra, ở khu vực cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong (Tiền Giang), ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang trang bị gần 20 giếng khoan tầng sâu để lấy nước tưới cho cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng.

Tại tỉnh Hậu Giang, nơi có nước mặn lấn sâu vào từ Biển Đông và Biển Tây, đang khẩn trương đóng các cống ngăn mặn. Huyện Long Mỹ giáp với Bạc Liêu và Kiên Giang là nơi chịu ảnh hưởng nước mặn nhiều nhất. Hiện nước mặn trên sông Ngan Dừa và sông Nước Trong độ mặn đã vượt ngưỡng 3‰ lấn sâu vào nội đồng.

d1f-4077.jpg
Đóng cống ngăn mặn tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG

“Toàn huyện có 40 cống ngăn mặn, hiện đã đóng 50% cống để ngăn mặn”, ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Long Mỹ cho biết. Theo ông Lê Hồng Việt, may mắn hiện nay là nông dân tuân thủ lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân và đến nay trà lúa đến kỳ thu hoạch nên không lo mặn gây ảnh hưởng.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết, người dân ở các tỉnh chịu tác động của hạn mặn như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang… đã chủ động hơn rất nhiều trong việc sống chung với hạn mặn, luôn theo dõi các thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn, từ đó đã chủ động tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên lượng nước trữ trong từng hộ dân còn hạn chế và khó đáp ứng đủ nhu cầu; đặc biệt trong những năm hạn mặn gay gắt như năm nay mà chủ yếu tập trung cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Theo các nhà khoa học, để giảm lượng nước bốc hơi, nông dân nên chủ động phủ rơm vào các gốc cây để giữ ẩm. Đặc biệt ở vùng nguy cơ xâm nhập mặn, nông dân nên kiên quyết không tiếp tục xuống giống lúa vụ tiếp theo để tránh thiệt hại.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa đến kiểm tra tình hình hạn hán, sụt lún đường giao thông trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, việc quản lý, sử dụng nước của người dân chưa hiệu quả.

Tại thời điểm xuống giống lúa vụ 2, người dân bơm nước ra kênh làm cho lượng nước ngoài kênh lớn, dẫn đến mở cống xả bỏ nước ngọt ra Biển Tây. Sau khi xuống giống người dân đồng loạt lấy nước lên ruộng nhanh; nhiều nơi trữ nước ở trên ao hồ, mặt ruộng nhiều hơn nhu cầu sản xuất làm cho nước lòng kênh hạ thấp nhanh, nước từ mặt ruộng, ao đìa thẩm thấu, rò rỉ xuống lòng kênh gây ra sạt trượt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu địa phương hướng dẫn, giám sát người dân sử dụng nước tiết kiệm trong điều kiện khô hạn. Đối với những vị trí có nguy cơ sụt lún, cần có giải pháp giảm tải trên bờ kênh (cắt tỉa cành cây, di dời vật nặng, phân luồng giao thông...); thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông trên các tuyến lộ, đê biển có nguy cơ sụt lún...

Tin cùng chuyên mục