Những ngày này, trời nóng hầm hập như đổ lửa, nhưng lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) vẫn cần mẫn canh lửa trên các tháp canh (chòi canh - cao khoảng 15m so với mặt đất). Anh Lê Sinh Rơ (tổ máy bơm 19, kênh Xáng giữa, Liên tiểu khu Sông Trẹm, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: “Buổi trưa trên tháp canh nóng dữ lắm. Dù vậy, các anh em trong tổ máy bơm vẫn thay phiên nhau leo lên chòi để quan sát và canh lửa. Ở trên chòi chừng 2 giờ thì thay ca một lần. Nếu trực lúc buổi sáng còn đỡ, chứ buổi trưa về chiều thì nóng như lò lửa, rất dễ bị say nắng”.
Thống kê mới nhất từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, đến ngày 24-4, diện tích rừng U Minh Hạ, rừng trên các đảo khô hạn là 36.274ha; trong đó, báo động cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) là 16.005ha, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) là 6.762ha. Những diện tích rừng này thuộc quản lý của các đơn vị: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ; Vườn quốc gia U Minh Hạ; Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau; Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam Bộ.
Là đơn vị quản lý diện tích rừng sản xuất lớn nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau với hơn 23.900ha, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Ngọc Thảo cho biết, hiện nhiều diện tích rừng sản xuất do công ty quản lý chuyển sang cấp báo động cháy cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, thời điểm này, cả lãnh đạo và nhân viên công ty tập trung cao độ cho công tác PCCCR; phải chia nhau trực cả ngày lẫn đêm, đảm bảo theo phương án PCCCR mà tỉnh phê duyệt. “Công ty đã bố trí 17 tổ máy bơm chữa cháy ứng trực tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền các ấp trong lâm phần thành lập lực lượng tuần tra xung kích trong cộng đồng dân cư gồm 21 tổ với 291 lực lượng sẵn sàng ứng trực”, ông Trần Ngọc Thảo chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, đơn vị đã đề nghị các cấp, ngành, các chủ rừng và chính quyền địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp về PCCCR; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động sâu rộng trong cán bộ, nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành và thực hiện tốt các quy định an toàn về PCCCR, nhất là ý thức sử dụng lửa của từng cá nhân, hộ gia đình sống trong và ven rừng. Ông Lê Văn Hải đề nghị các chủ rừng phải bố trí lực lượng, phương tiện trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để chủ động xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Tại TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), những ngày này, các đơn vị biên phòng tuyến Bắc đảo thuộc Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, gồm: Đồn biên phòng Xà Lực, Đồn biên phòng Gành Dầu, Đồn biên phòng Rạch Tràm cũng “căng mình” phối hợp cùng các lực lượng, chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng tăng cường PCCCR trên địa bàn phụ trách. Trung tá Nguyễn Văn Đượm, phụ trách quản lý rừng sản xuất Phòng Hậu cần Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết, nhằm chủ động trong công tác PCCCR, Phòng Hậu cần Công an tỉnh Kiên Giang (đơn vị quản lý rừng Tiểu khu 35, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) đã rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí lực lượng trực chốt 24/24 giờ theo phương châm 4 tại chỗ. “Đơn vị phối hợp với kiểm lâm, công an, quân đội trên địa bàn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR. Đồng thời, bảo đảm vật tư, trang thiết bị và hậu cần cho lực lượng thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý khi có tình huống cấp bách xảy ra”, Trung tá Nguyễn Văn Đượm thông tin.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, gần 17.000ha (gồm vùng đồi núi và đồng bằng) trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ cháy cấp V. Trước tình hình này, lực lượng kiểm lâm đã và đang phối hợp với các ngành chức năng và địa phương triển khai các phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người ra vào trong các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao…