Người dân và du khách lưu thông trước trụ sở HĐND và UBND TPHCM |
Chương trình hướng đến kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động.
Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa thuộc chuỗi sự kiện chào mừng các ngày lễ lớn trọng đại của đất nước tại TPHCM, với mong muốn gắn kết chặt chẽ với nhân dân, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ...
Trụ sở HĐND và UBND TPHCM (tòa nhà chính Lê Thánh Tôn, quận 1) là công trình tiêu biểu về phong cách kiến trúc nghệ thuật đầu thế kỷ XX. Cuối năm 2020, trụ sở được Bộ VH-TT-DL công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Khu vực được công nhận là khối nhà chính trên đường Lê Thánh Tôn được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, trừ khối nhà mới xây dựng trên nền chung cư 213 Đồng Khởi cũ.
Kiến trúc trụ sở HĐND và UBND TPHCM nhìn từ bên ngoài |
Thời Pháp thuộc, trụ sở có tên Hôtel de ville hay còn gọi Dinh Xã Tây. Thiết kế mặt ngoài công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu kiến trúc Phục Hưng, trang trí phù điêu kiểu Baroque và Rococo, các cửa sắt kiểu Art Nouveau...
Bên trong tòa nhà được trang trí đa dạng và cầu kỳ bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Hầu hết các tường và trần được trang trí với những bó hoa hay vòng hoa, lá cọ, cành nguyệt quế, ruy băng...;viền trần nhà được trang trí hoa văn kỷ hà, phù điêu hoa lá, hồi văn dây lá... theo phong cách thời Louis XV.
Cầu thang trải thảm đỏ bên trong trụ sở HĐND và UBND TPHCM |
Một số tài liệu cho thấy, công trình do kiến trúc sư Femand Gardè thiết kế, mô phỏng từ tòa thị chính Paris theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Cấu trúc điển hình với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái đăng đối, bên trái và bên phải tòa nhà thấp hơn so với các phần còn lại. Thiết kế mặt đứng công trình có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu.
Trụ sở không chỉ là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mà còn là công trình mang nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, chứng kiến sự hình thành và phát triển của TPHCM trong 114 năm qua. Công trình cũng là một trong những biểu tượng quen thuộc đối với khách du lịch trong nước và quốc tế đến với TPHCM trong nhiều năm qua.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND - UBND TPHCM nhìn từ Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Chương trình tham quan trụ sở tổ chức trong hai ngày 29 và 30-4 không thu phí. Dự kiến trong 2 ngày tổ chức tham quan sẽ có 48 đợt tham quan, mỗi đợt cách nhau 20 phút và không quá 30 khách/đợt. Buổi sáng bắt đầu từ 8 giờ đến 12 giờ, buổi chiều bắt đầu từ 13 giờ đến 17 giờ.
Thời lượng mỗi đợt tham quan là 60 phút với lộ trình như sau:
Trước tiên, tập trung tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe hướng dẫn viên giới thiệu tổng quan về Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử của tòa nhà và kiến trúc bên ngoài tòa nhà.
Sau đó di chuyển vào bên trong tòa nhà nghe thuyết minh viên giới thiệu các điểm nhấn về văn hoá - lịch sử và các thiết kế kiến trúc tại khu vực sảnh chính tầng trệt, sảnh tầng 1, các phòng tiếp khách quốc tế, các phòng họp, cầu thang, ban công nhìn ra đường Nguyễn Huệ. Khách tham quan cũng được xem phim ngắn giới thiệu về Di tích nghệ thuật cấp quốc gia - Trụ sở HĐND và UBND TPHCM.
Toàn bộ công tác tổ chức các chuyến tham quan đều tuân thủ các tiêu chuẩn về an ninh, an toàn; các quy định quy định phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo tính nguyên vẹn của Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Người dân và du khách có nhu cầu tham quan có thể đăng ký qua các kênh sau:
- Đăng ký thông qua các công ty dịch vụ lữ hành.
- Trực tuyến tại website: visithcmc.vn hoặc QR code đính kèm:
Tất cả khách đăng ký sẽ được tổ chức thành đoàn theo các đợt tham quan và được ban tổ chức thông báo trước lịch tham quan.
Khi vào tham quan, người dân và du khách phải tuân thủ nội quy tham quan và chỉ được mang vào trụ sở các vật dụng cần thiết, quan trọng như giấy tờ tùy thân, điện thoại, nước uống.