Từ cuối tháng 9 đến hết năm 2019, nhà hát sẽ dàn dựng lại các kịch bản cải lương vang bóng một thời với lực lượng biểu diễn là nghệ sĩ của nhà hát và các khách mời là các nghệ sĩ tài danh của sân khấu truyền thống.
Trong suất diễn đầu tiên phục vụ khán giả vở Giấc mộng đêm xuân (tác giả: Nhị Kiều - Phi Hùng; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu), đông đảo khán giả, trong đó có rất đông bạn trẻ đã đến xem, thích thú vì vở diễn hấp dẫn và miễn phí. Tuy nhiên, sau suất diễn đầu tiên, giới chuyên môn đã tỏ ra lo lắng và cả bức xúc đối với việc “cải lương không bán vé”.
“Ông bầu” sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn nói: “Làm cải lương mà không bán vé, tổ chức nghệ thuật biểu diễn miễn phí là “giết chết” sân khấu. Việc phát vé miễn phí, về lâu dài còn tạo nên hiện tượng tiêu cực: có vé khán giả cũng không đi xem, như tình trạng của sân khấu Hà Nội trong nhiều năm qua. Thực tế, mặc định trong quan điểm khán giả lâu nay là chương trình miễn phí thường không hay, đầu tư không tới, diễn cho vui. Khi chúng ta tập cho khán giả thói quen đi xem hát không cần mua vé, dần dần khán giả sẽ không còn thói quen đến rạp mua vé nữa. Đau đớn hơn chính là cái hậu của việc miễn phí khi đã thành thói quen thì hoạt động nghệ thuật của các đơn vị có bán vé sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu. Như vậy, sẽ còn ai chịu bỏ kinh phí đầu tư làm sân khấu cải lương xã hội hóa nữa?”.
Lâu nay các sân khấu xã hội hóa vẫn nỗ lực duy trì việc sáng đèn, có bán vé và luôn có một lực lượng khán giả chịu bỏ tiền mua vé xem cải lương, dù có vở, mỗi tấm vé cao ngất ngưởng đến vài triệu đồng. Nghĩa là, khán giả yêu mến cải lương tại TPHCM không quá hiếm.
Khán giả hôm nay có điều kiện về kinh tế, nên để thu hút khán giả đến với sân khấu cải lương truyền thống phải là nội dung vở diễn, chất lượng dàn dựng, có ngôi sao tham gia hay không…, chứ không phải vì khán giả không có tiền mua vé.
Không nên tổ chức biểu diễn miễn phí mà phải bán vé, có thể là bán vé giá rẻ, để thu hút nhiều tầng lớp khán giả đến xem cải lương. Hàng năm, Sở VH-TT TPHCM đã có kế hoạch riêng cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thực hiện một số suất diễn miễn phí ở vùng sâu vùng xa, các huyện ngoại thành. Còn ở trung tâm thành phố, việc bán vé cải lương sẽ hợp lý hơn là biểu diễn miễn phí.
Với những thông tin phản hồi trên, Ban giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã tiếp nhận và cho biết đây là đợt diễn thí điểm. Đến cuối năm 2019, nhà hát sẽ có văn bản đánh giá tổng quan và báo cáo với Sở VH-TT TPHCM, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp và hiệu quả nhất. Miễn phí là điều mà người dân ủng hộ, nhưng trong môi trường nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống, miễn phí chưa hẳn đã hay.