Nhận định tình hình dịch Covid-19 ở phía Nam vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp căn cơ như: tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương chuẩn bị sẵn kịch bản, phương án để ứng phó với mức độ cao nhất của dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời xây dựng phương án huy động hàng hóa từ các địa phương khác.
Đặc biệt, Bộ Công thương đã chỉ đạo sở công thương các tỉnh, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho trung tâm thương mại, siêu thị, chợ tiêu thụ hàng hóa nông sản; tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, đến nay các tỉnh, thành phố phía Nam đều đã sẵn sàng những kịch bản cung ứng hàng hóa mới để ứng phó trong thời gian giãn cách kéo dài. Đơn cử tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh này cho biết đã phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp (DN) xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường theo mức cao nhất, tương đương lượng hàng hóa là 21.756 tấn, trị giá trên 2.572 tỷ đồng (tăng 1.995 tỷ đồng so với phương án trước), để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân theo tình huống của từng cấp độ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa và giá cả tại Hậu Giang vẫn ổn định, đảm bảo cung ứng đủ cho người dân, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Theo ông Thậm, ngoài đảm bảo cung ứng hàng hóa, Sở Công thương đã phối hợp với các DN, nhà bán lẻ, bưu điện trên địa bàn thực hiện đi chợ hộ người dân, nhất là người dân trong khu phong tỏa, cách ly. “Dù thời gian giãn cách kéo dài nhưng chúng tôi ghi nhận hàng hóa cung cấp cho người dân vẫn đầy đủ, đa dạng và kịp thời”, ông Thậm chia sẻ.
Tại Tiền Giang, đại diện Sở Công thương tỉnh cho biết, gần đây đã xây dựng thêm một số tình huống cung cấp hàng hóa để ứng phó khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn. Theo đó, Sở Công thương Tiền Giang tính đến 3 phương án là tổ chức các điểm bán hàng, tổ chức chuyến hàng lưu động và đi chợ hộ phục vụ người dân. Sở Công thương trực tiếp lấy hàng hóa từ đơn vị cung ứng, vận chuyển hàng hóa đến điểm bán hàng hóa thiết yếu, bán theo giá bán sỉ của đơn vị cung cấp, thu tiền, quyết toán với đơn vị cung cấp. Cục Quản lý thị trường trực tiếp tham gia điểm bán hàng, bố trí xe chở công chức, viên chức đi - về mỗi ngày; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả, niêm yết và nguồn gốc hàng hóa tại các điểm bán hàng. Riêng hình thức đi chợ hộ, Sở Công thương Tiền Giang sẽ giao cho Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và hạ tầng các địa phương phối hợp với đơn vị quản lý chợ, tổ tự quản, UBND xã tổng hợp nhu cầu hàng hóa từng hộ gia đình và sau đó giao theo nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, Sở Công thương TP Cần Thơ ngoài huy động hệ thống siêu thị, DN dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần, tăng các điểm bán hàng bình ổn đã tiếp tục tổ chức nhiều điểm cung ứng thực phẩm thiết yếu bình ổn theo từng khu vực dân cư, đảm bảo cung ứng kịp thời hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng tối thiểu cho người dân, hạn chế tối đa việc di chuyển nếu không thật sự cần thiết. Cần Thơ cũng hỗ trợ các DN thực hiện hoạt động từ thiện, cung ứng thực phẩm đến các cụm dân cư/khu dân cư gặp khó khăn; cho phép các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được hoạt động.
Rút kinh nghiệm từ các đợt giãn cách trước, TPHCM đã dự kiến những ngày tới phải cung cấp hàng thiết yếu cho 9,4 triệu dân với nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 ngày dự kiến khoảng 10.964 tấn, gồm gạo, lương thực chế biến khô, thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, muối, nước chấm, dầu ăn... Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, nhu cầu tiêu dùng bình quân trong 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, thành phố cần nhu cầu nước uống 19 triệu lít/ngày; khẩu trang 628.969 cái/ngày; nước sát khuẩn loại 0,5 lít là 239.596 chai/ngày.
Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các DN, siêu thị bán lẻ để điều phối đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Chẳng hạn Vissan sẽ áp dụng triệt để 3 tại chỗ, nhân viên sẽ ở lại để duy trì hoạt động bình thường khi thành phố siết chặt giãn cách, trừ số ít cửa hàng không đủ tiêu chuẩn hoặc nằm trong vùng đỏ có thể tạm ngưng hoạt động. Trong khi đó, Saigon Co.op khẳng định không thiếu hàng và sẵn sàng điều chuyển lượng hàng từ điểm này sang điểm khác để cân đối nguồn cung.