Trong đó, Chính phủ đề xuất giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3, 4 đối với hộ, cá nhân kinh doanh; giảm thuế thu nhập DN 30% cho các DN nhỏ và vừa quy mô dưới 200 tỷ đồng; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 đối với DN, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019, 2020. Gói hỗ trợ này ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng.
Ngoài dự kiến chính sách trên, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 với các nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính, tính chung các chính sách đã thực hiện và đề xuất nêu trên, kể từ đầu năm 2021, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho DN, người dân là trên 138.000 tỷ đồng.
Trong góp ý về nội dung dự thảo nghị quyết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, để đảm bảo tính hiệu quả và ổn định của chính sách hỗ trợ cũng như có hiệu lực trên thực tế thì cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6-2022. Lý do là dự kiến, đến hết quý 1-2022, Việt Nam mới có thể tiêm được 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng và cũng phải đến quý 1-2022, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, một trong những tiêu chí xác định DN nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Trong khi đó, dự thảo lại đề xuất giảm thuế thu nhập DN với DN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng. Theo VCCI, điều này dường như chưa thật hợp lý và sẽ loại bỏ một số DN nhỏ và vừa theo quy định của luật khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với DN Việt Nam do VCCI tiến hành, có tới 65% DN tư nhân và 62% DN FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. DN tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những DN quy mô lớn, lần lượt ở mức: 39%, 33%, 32% và 30%. Như vậy, DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch.
Cùng với đó, VCCI đề nghị bổ sung giải pháp hỗ trợ DN chi phí về phòng chống dịch trong quá trình duy trì sản xuất tại những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thành khoản hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau. Đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp, thiết thực và công bằng dành cho các DN. Bởi lẽ, những DN cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép thì sẽ được hỗ trợ và DN nào duy trì được càng nhiều việc làm thì được hỗ trợ càng lớn.
Việc có các nhóm giải pháp về tài chính nhằm hỗ trợ người dân, DN chịu tác động của dịch Covid-19 là cần thiết và việc mở rộng phạm vi, quy mô khoản hỗ trợ là rất quan trọng. Bởi, DN Việt Nam hiện đang đối mặt những khó khăn cực kỳ nghiêm trọng và chưa từng có, do vậy, các giải pháp hỗ trợ cũng cần phải mạnh mẽ, chưa có tiền lệ để DN sau đại dịch tồn tại, phát triển, từ đó đóng góp trở lại cho ngân sách. Cùng với đó, bên cạnh ban hành chính sách thì những quy trình, thủ tục phải đơn giản, thông thoáng để chính sách dễ đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng giá trị một số gói hỗ trợ được công bố lớn nhưng tỷ lệ thực hiện được trên thực tế quá thấp, chưa tạo ra được hiệu ứng mạnh.