Việt Nam đang đối mặt với làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, chủ yếu do lây nhiễm biến chủng Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) gây ra, khiến công tác phòng chống dịch gặp nhiều thách thức mới. Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, cho rằng, thời gian tới để có kết quả tốt nhất, ít tốn kém nhất về kinh tế cũng như con người, TPHCM cần quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa trong phòng chống dịch.
* PHÓNG VIÊN: Ông có nhận định gì về biến chủng virus Delta đang lây lan cao tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong thời gian qua?
- TS NGUYỄN QUỐC BÌNH: Một trong những đặc tính quan trọng của biến chủng Delta là khả năng xâm nhiễm từ người bệnh sang người khác rất cao. Đột biến của biến chủng Delta làm khả năng dính vào tế bào của người dễ hơn, dẫn tới lây nhiễm dễ hơn, nhân lên nhanh hơn, giúp chủng này thoát khỏi sự tìm diệt của đội quân bảo vệ cơ thể chúng ta tốt hơn. Theo kết quả nghiên cứu khoa học, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm 50%-60%, cao hơn biến chủng Alpha (chủng Anh).
Theo TS Bhramar Mukherjee, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu của Đại học Michigan (Mỹ), ước tính hệ số lây nhiễm của chủng hoang dại Vũ Hán là 2,4 - 2,5 thì biến chủng Alpha là 3,4 - 4,2 còn của biến chủng Delta là 5,6 - 6,7.
Nói một cách nôm na là nếu một người nhiễm chủng Vũ Hán có thể lây nhiễm cho 2 người tiếp xúc gần (F1) thì biến chủng Alpha có thể lây nhiễm cho 4 người và với biến chủng Delta là 7 người. Có nghĩa là F1 của biến chủng Delta sẽ trở thành F0 với số lượng hơn gấp 3 lần so với chủng ban đầu. Đây là con số nói lên vì sao biến chủng Delta lây nhanh. Hệ số lây nhiễm nhanh dẫn tới việc để có được miễn dịch cộng đồng (cộng đồng có đủ khả năng tự nhiễn dịch, kháng lại sự lây lan nhanh của bệnh) cần có số lượng người được tiêm vaccine là 80% thay vì 60% như chủng ban đầu.
* Hầu hết những người mắc bệnh do biến chủng Delta gây ra đều không có triệu chứng, phải chăng độc lực virus biến chủng tại Việt Nam thấp, thưa ông?
- Theo thống kê của Bộ Y tế vào tháng 5, tỷ lệ người dương tính không có triệu chứng là 65%, tỷ lệ người dương tính có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, không phải hỗ trợ bệnh viện là 29% và chỉ có 1,3% số ca nhiễm bệnh cần hỗ trợ thở. So với chủng ban đầu, ước tính số người nhập viện khoảng 20% ca mắc với tỷ lệ tử vong khoảng 3%.
Gần đây nhất, theo Sở Y tế TPHCM và Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, 68%-80% người dương tính với Covid-19 không có biểu hiện bệnh lý, nhất là bệnh lý viêm phổi cấp, đặc trưng của virus Covid-19. Những con số thống kê này có thể kết luận mặc dù khả năng lây lan nhanh nhưng độc lực của chủng Delta đang lây nhiễm tại Việt Nam là khá thấp.
* Bài toán của TPHCM là gì để có thể tạo được miễn dịch cộng đồng?
- Để có được miễn dịch thì tiêm vaccine là một trong biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện tại, TPHCM đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất cho những người đang hoạt động trong cộng đồng và có nguy cơ phơi nhiễm. Tuy nhiên, để có thể chủ động ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng thì TPHCM cần tiêm vaccine cho ít nhất 80% người dân. Số lượng vaccine cần vào khoảng 16 triệu liều cho TPHCM và 160 triệu liều cho Việt Nam mới đạt đến chỉ số an toàn cho miễn dịch cộng đồng. Đây là vấn đề chạy đua thời gian giữa việc tiêm vaccine và sự lây nhiễm.
Mặt khác, với biến chủng Delta, một số dòng vaccine có hiệu quả bảo vệ thấp so với số liệu thử nghiệm trên chủng ban đầu. Việc chỉ sử dụng một gen mã hóa cho protein gai trên vỏ virus để làm vaccine thay vì dùng toàn bộ virus như phương pháp truyền thống cho ra đời nhanh vaccine và tăng hiệu quả bảo vệ, tuy nhiên phổ bảo vệ sẽ kém hơn khi có biến chủng trên protein gai này. Vấn đề là phải tiêm nhiều liều bổ sung cho các vaccine cho biến thể mới. Đây thực sự là khó khăn cho các nước chưa tự sản xuất được vaccine như Việt Nam.
Một vấn đề lớn nữa trong phòng chống dịch là giãn cách xã hội. Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu để giảm thiểu tốc độ lây lan và khoanh vùng khu vực nhiễm. Đến hết đợt dịch thứ 3 của Việt Nam, phương pháp này thực sự cần thiết và hữu hiệu. Tuy nhiên, bây giờ là lúc cần đánh giá lại áp dụng này.
Thứ nhất, trước đây, với chủng Covid-19 Vũ Hán (Trung Quốc) tốc độ lây lan thấp, giãn cách xã hội là phương pháp hiệu quả. Thời gian giãn cách chỉ trong vòng 2-3 tuần là đã ngăn, khu trú được vùng dịch.
Thứ hai, với độc lực virus cao, nguy cơ gây quá tải bệnh viện và tử vong khá cao. Hiện tại, TPHCM đã có số người nhiễm bệnh vượt xa con số trên nhưng chưa có nguy cơ quá tải bệnh viện, phần lớn là do tỷ lệ người phải nhập viện điều trị tích cực dưới 1,3%.
* Vậy theo ông, thời gian tới nên làm gì để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh?
- Hiện TPHCM đã có hơn 800.000 người được tiêm vaccine trong tổng số gần 12 triệu người đang sinh sống tại thành phố. Tỷ lệ này chiếm 6%, đang còn rất xa chỉ số an toàn là 80%. Việc giãn cách xã hội đang gặp khó khăn vì không xác định chính xác nguồn lây, do vậy kết quả còn hạn chế. Mặt khác, người lao động đang đến giai đoạn cạn kiệt tài chính do mất việc hoặc hoãn việc.
Để góp phần đề xuất một chiến lược mới, chấp nhận được trong hoàn cảnh này cần tiến hành tiêm vaccine nhanh cho các đối tượng có nguy cơ cao theo Nghị quyết 21 của Chính phủ như: người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính nhằm giảm thiểu rủi ro cho những người này khi không giãn cách xã hội; tận dụng sự lây lan nhanh và độc lực thấp của biến chủng Delta tại Việt Nam để đạt được miễn dịch cộng đồng bằng cách cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà; dỡ bỏ giãn cách xã hội. Khi áp dụng các biện pháp này, chỉ cần tiêm khoảng 1,4 triệu liều vaccine cho nhóm trên là có thể không áp dụng giãn cách xã hội.