Trong giai đoạn 2004-2019, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latinh sang Trung Quốc đã tăng từ 12 tỷ USD lên 116 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng từ 22 tỷ USD lên 171 tỷ USD. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu và 18% kim ngạch nhập khẩu của khu vực.
Trong 20 năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng phát triển quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh. Emmanuel Véron, nhà địa lý và chuyên gia về Trung Quốc, cho biết, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc ở Mỹ Latinh bắt đầu từ những năm 2000 và mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh được duy trì đến nay. Quan hệ kinh tế giữa các nước trong khu vực Mỹ Latinh và Trung Quốc đang được xây dựng thông qua các thỏa thuận thương mại song phương. Theo đó, Chile, Peru và Costa Rica đã ký các thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Colombia cũng bắt đầu quá trình thảo luận để tiến tới thỏa thuận tương tự với Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong khu vực đã tham gia dự án Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.
Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Quốc gia Nam Mỹ này xuất khẩu số lượng lớn đậu nành và thịt bò sang Trung Quốc. Uruguay và Argentina cũng là các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, nhất là trong hoạt động trao đổi các sản phẩm nông nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ Latinh sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô (bao gồm dầu khí từ Venezuela và Brazil, đồng từ Chile, lithium từ Peru và Argentina) và các sản phẩm nông nghiệp (đậu nành và thịt từ Uruguay, Brazil và Argentina). Mỹ Latinh giờ trở nên quan trọng đối với an ninh lương thực ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào khu vực này với 180 tỷ USD trong giai đoạn 2005-2021, chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng (107 tỷ USD), khai khoáng (33 tỷ USD), giao thông (20 tỷ USD) và nông nghiệp (6 tỷ USD). Có thể nói, sau châu Phi, Mỹ Latinh đang trở thành miền đất viễn chinh mới của Trung Quốc, để nước này tích trữ các nguyên liệu thô và nông sản cần thiết.