Trung Quốc đang triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường ở châu Á và Đông Bắc châu Phi. Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) lần thứ 3 được tổ chức tại Bắc Kinh tháng 9-2018 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia châu Phi hơn hẳn số lượng các nguyên thủ tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, Mỹ. FOCAC cho thấy sự quan tâm của Trung Quốc đối với châu Phi và cường quốc châu Á này tiếp tục cam kết đầu tư 60 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2021 (tương đương mức đầu tư 2015-2018).
Nga cũng đang hiện diện mạnh mẽ tại châu Phi và trong năm nay, dự kiến Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần đầu tiên được tổ chức. Nhiều năm qua, Nga đã từng bước đầu tư vào các nước đối tác truyền thống tại châu Phi và củng cố các liên minh mới thông qua cung cấp các dịch vụ an ninh, hỗ trợ huấn luyện binh sĩ... Sự hiện diện của Nga cũng phát đi tín hiệu rằng trong tương lai, sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn tại châu Phi sẽ diễn ra quyết liệt hơn.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường can dự vào châu Phi thông qua việc xây dựng cảng ở Eritrea. Năm 2018, Tổng thống Tayip Erdogan đã công du tới khu vực Sahel, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực này, báo hiệu tham vọng ngày càng tăng của Ankara tại đây.
Còn với Ấn Độ, chính phủ nước này đã thông qua đề xuất mở mới 18 cơ quan ngoại giao của nước này ở châu Phi. Sau khi hoàn tất, Ấn Độ sẽ có ít nhất 47 cơ quan đại diện ngoại giao ở châu Phi.
Nhật Bản cũng tiếp tục tăng cường can dự thương mại, phát triển, chính trị ở châu Phi khi đã và đang nỗ lực hợp tác với Ấn Độ thông qua sáng kiến Hành lang Tăng trưởng Á - Phi để cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Năm 2019, Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Nhật Bản.
Các nước phương Tây cũng không đứng ngoài cuộc đua tới lục địa đen. 9 chuyến thăm tới 11 nước châu Phi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong năm 2018 cho thấy châu Phi đã và đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Paris.
Đức tiếp tục cam kết gắn bó với châu Phi thông qua việc điều chỉnh Kế hoạch Marshall cho châu Phi thành một sáng kiến mang tính hợp tác hơn nhằm khuyến khích sản xuất và đa dạng hóa các nền kinh tế châu lục.
Trong khi đó, bất chấp tương lai bất định của Brexit, Anh đã thông qua chiến lược mới về châu Phi, bao gồm khoản ngân sách bổ sung 30 triệu bảng Anh (khoảng 38 triệu USD) cho việc mở mới hoặc mở cửa trở lại các đại sứ quán Anh ở Chad, Djibouti, Swaziland, Lesotho và Nigeria. Năm 2019, London sẽ tổ chức hội nghị đầu tư châu Phi và đang nuôi tham vọng trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở châu lục này. Với Mỹ, chính phủ của Tổng thống Donald Trump cũng đã công bố chiến lược mới về châu Phi vào tháng 12-2018.
Tiến sĩ Alex Vines, Giám đốc Chương trình châu Phi tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh, nhận định, năm 2019 sẽ chứng kiến sự kết nối rộng hơn giữa các khu vực ở châu Phi với các đối tác từ những châu lục khác. Lục địa đen đang trên đường trở thành “miền đất hứa” mới.