Thị trường 3 tỷ USD
Tại Việt Nam, Galaxy Education là một trong những đơn vị EdTech nổi tiếng và có quy mô lớn nhất. Bắt đầu triển khai các khóa học trực tuyến trên nền tảng HOCMAI cho học sinh hơn 10 năm trước, đến nay đơn vị này đã mở rộng chương trình học online cho hầu hết lứa tuổi, trên nhiều lĩnh vực như giáo dục bổ trợ phổ thông, năng lực ngôn ngữ đến lập trình, giáo dục đại học. Đơn vị hiện có hơn 7 triệu học viên và 600.000 bài giảng online theo nhiều hình thức như ghi hình sẵn, trực tuyến với giáo viên và trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Ông Phạm Giang Linh, Giám đốc Điều hành Galaxy Education, cho biết, thị trường EdTech tại Việt Nam hình thành giai đoạn 2006-2007 nhưng đến khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu dạy và học trực tuyến tăng cao, thị trường EdTech mới được quan tâm rộng rãi. Các tập đoàn lớn, công ty khởi nghiệp EdTech cùng “đổ bộ” vào Việt Nam.
Chỉ tính riêng năm 2022, Việt Nam ghi nhận hơn 100 công ty EdTech khởi nghiệp và tận dụng lợi thế của sự bùng nổ trong nhu cầu giáo dục để “hút” mạnh vốn đầu tư nước ngoài.
“Xu hướng phát triển EdTech của Việt Nam vô cùng sôi động. EdTech ngày càng trở thành mục tiêu đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn, đầu tư mạo hiểm. Nhiều công ty về EdTech huy động được số lượng vốn hàng triệu đến hàng chục triệu USD như Topica, ELSA, CoderSchool, Edmicro, Vuihoc hay Educa. Nhiều tập đoàn trong nước cũng tiếp tục đầu tư và mở rộng hệ sinh thái giáo dục trực tuyến như Viettel, FPT, VNPT”, ông Phạm Giang Linh nhìn nhận.
Một giáo viên dạy tiếng Anh tương tác trên phần mềm Classin tại TPHCM. Ảnh: THANH LONG |
Không chỉ là sự tăng trưởng mạnh của các start-up EdTech nội địa, nhiều cái tên ngoại nổi tiếng trong ngành Edtech cũng đã đặt chân đến Việt Nam. Điển hình, ClassIn - một trong tốp 50 EdTech lớn nhất toàn cầu, cung cấp nền tảng học trực tuyến, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở Việt Nam gần đây.
Bà Trương Lê Quỳnh Tương, Giám đốc ClassIn Đông Nam Á, cho biết, trong năm 2022 doanh nghiệp tiếp tục cải tiến công nghệ để triển khai mô hình giáo dục kết hợp online lẫn offline. ClassIn xây dựng hệ sinh thái công nghệ giáo dục, không dừng lại ở một nền tảng học online mà sẽ xây dựng thêm những phần mềm bổ trợ như chuyển đổi số sách vở, tài liệu học thuật…
Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc đang gặp khó khăn, các EdTech mong muốn tìm kiếm một môi trường mới, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng EdTech ở Việt Nam được ghi nhận ở mức đáng kinh ngạc, đạt khoảng 20,2% mỗi năm giai đoạn 2019-2023. Dự kiến năm 2023, thị trường EdTech Việt Nam sẽ đạt doanh thu khoảng 3 tỷ USD.
Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
TPHCM là địa phương đi đầu trong phát triển thị trường EdTech cả nước. Số liệu tin cậy từ các chuyên gia cho thấy, hơn 95% EdTech đang hoạt động tại Việt Nam có sự hiện diện tại TPHCM. 70% EdTech khi bước chân vào Việt Nam đã mặc định xem TPHCM là trọng điểm cần chinh phục đầu tiên.
Geniebook - Edtech nổi tiếng tại Singapore - đã chọn TPHCM làm cửa ngõ vào Việt Nam 2 năm trước. Giám đốc điều hành Neo Zhizhong bày tỏ ấn tượng với sự chuyển mình linh hoạt từ học trực tiếp sang trực tuyến tại TPHCM. Đến nay, thành phố trở thành một trong những nơi đầu tư chiến lược của Geniebook bên cạnh các đô thị lớn ở Singapore, Indonesia và Malaysia. Tăng trưởng của công ty tại Việt Nam gấp 3 lần so với trước Covid-19. Hệ thống đã có thể dùng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa quá trình học ngoại ngữ, toán, khoa học cho từng học sinh. Phần mềm nhận biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của người học ở từng môn để đưa ra những bài học, bài tập hiệu quả nhất. Một trong những yếu tố quyết định thành công là nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở TPHCM luôn dồi dào, với sự trẻ trung, tài năng nhiệt huyết không kém gì nhân lực ở các thành phố khác trong khu vực. Công ty đang dựa vào 3 đội công nghệ ở các quốc gia để phục vụ cho phát triển EdTech trên toàn cầu, trong đó đội tại TPHCM đảm nhiệm một trong những phần quan trọng nhất.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB), cho rằng, hiện các EdTech ở phía Nam, nhất là TPHCM, có số lượng đông đảo, đa dạng. Trong mắt những người khởi nghiệp về công nghệ, các dữ liệu về thị trường số ở TPHCM luôn đạt mức tốt, là “đất lành” cho các EdTech. Khi đã hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi, các EdTech tại TPHCM sẽ phát triển mạnh. Điều này tạo ra sự cạnh tranh giữa các EdTech, từ đó họ buộc phải liên tục cải tiến về chất lượng, đồng thời cũng sẽ ghi nhận được những hướng phát triển sản phẩm mới, tiếp tục tạo ra sự nhộn nhịp cho thị trường EdTech ở TPHCM.
Chờ đợi gì trong năm 2023?
Theo bà Trương Lê Quỳnh Tương, tín hiệu tích cực sau dịch Covid-19 là công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động dạy và học tại Việt Nam. Nhiều thầy cô vẫn sử dụng công cụ tạo bài giảng điện tử, giao bài tập online… Riêng TPHCM, Sở GD-ĐT đặt chỉ tiêu 35% cho các hoạt động học tập số, mang tới hy vọng duy trì thói quen áp dụng công nghệ vào giáo dục. Trong năm 2023, đơn vị của bà sẽ tiếp tục phát triển mô hình học tập OMO - học sinh ngồi tại lớp nhưng giáo viên giảng dạy từ xa. Giải pháp này có thể giải quyết nút thắt lớn về phân bổ giáo viên đến các địa phương.
Bức tranh sáng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết, năm 2022 tiếp tục ghi nhận những thành tựu nổi bật của cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TPHCM. Cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển được nhiều dự án, sản phẩm tiềm năng, có hàm lượng công nghệ số cao, thu hút được hàng triệu USD vốn đầu tư nước ngoài.
Theo bảng xếp hạng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các quốc gia năm 2022 được Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (StartupBlink) công bố, Việt Nam xếp thứ 5 Đông Nam Á, sau Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong đó, TPHCM lần đầu được xếp hạng 111 trong 1.000 thành phố năng động, sáng tạo nhất toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại và sự sôi động của cộng đồng start-up, TPHCM sẽ sớm tiệm cận tốp 100.