
Tôi đã đóng nhiều phim, đã qua nhiều nơi nhưng lần đóng vai Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm tại Quảng Trị đã gây nhiều xúc động trong tôi. Tôi vinh dự được sống cùng những người con Quảng Trị trong những ngày tháng đầy thử thách của nỗi khắc nghiệt chiến tranh, của nỗi đau chia cắt, của biết bao hy sinh và mất mát.

Từ cuộc sống thực tế đó, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh đã nhiều lần vượt bom đạn của Mỹ, từ Hà Nội, các anh đạp xe đạp đến vùng đất Quảng Trị lấy tư liệu, viết, rồi đọc cho các chiến sĩ nghe trước...
Cứ như thế, từ năm 1965 đến năm 1970 mới hoàn thành kịch bản và được đưa vào sản xuất. Đoàn làm phim thành lập, công việc đầu tiên là phải đưa “thành phần chủ yếu” đi thâm nhập thực tế.
Đoàn đi gồm có đạo diễn Hải Ninh, quay phim: Xuân Châu, thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ Trịnh Thái, chủ nhiệm phim: anh Lâm Vĩnh Trúc, các diễn viên có tôi và anh Đoàn Dũng, Hoài Linh... Chúng tôi mỗi người một việc theo yêu cầu của nghề nghiệp.
Tôi gặp gỡ rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã từng bị địch bắt giam cầm ở nhà tù Mỹ – ngụy. Gặp nhiều nữ chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu trong lòng địch vào ban đêm, ban ngày thì qua bờ Bắc sông Bến Hải để học tập, nghỉ ngơi. Trong rất nhiều o gái mà tôi đã gặp, tôi nhớ nhất o Thảo - người con gái có nước da trắng hồng, đôi mắt buồn với đôi hàng mi rất dài – o đẹp quá.
Bên bến đò Tùng Luật, o kể cho tôi nghe về gia đình, về làng xóm của o ở Gio Hà, Gio Linh, về đồng đội... Tôi như nuốt lấy từng lời o nói với bao sự xúc động, lắng sâu. Sau này, khi đóng nhân vật Dịu, tôi như sống lại trong ký ức về cuộc gặp o Thảo, o Hà, các chiến sĩ mà tôi đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc qua chuyến đi thực tế tại Vĩnh Linh năm ấy. Tôi gởi tình yêu của mình qua nhân vật Dịu là gởi đến các o - những người con gái Quảng Trị - tình yêu thương kính trọng và cả niềm tin chiến thắng.

Thật vậy, lúc làm phim ở Quảng Trị, những người làm điện ảnh chúng tôi đã nhận thức được rằng: Tự do cho Quảng Trị là tự do cho cả nước, giải phóng cho Quảng Trị là chấm dứt chia cắt cho Tổ quốc.
Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là khát vọng độc lập thống nhất của cả dân tộc, không chỉ của thế hệ đời nay mà còn của bao thế hệ mai sau.
Chính nhận thức được vậy, nên chúng tôi không ngại gian khổ, thực hiện phim ngay cả lúc Mỹ ném bom lại miền Bắc. Giai đoạn hậu kỳ của phim là lúc Mỹ ném bom dữ dội tại Hà Nội... Khi nhớ lại những ngày tháng cam go hồi ấy, tôi vẫn tự hỏi và cũng tự trả lời, chỉ có tình yêu quê hương đất nước, cộng với tình yêu nghề nghiệp và trách nhiệm công dân mới giúp những người điện ảnh thời bấy giờ vượt qua được mọi thử thách như vậy.
Nhân sự kiện Quảng Trị sắp kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Genève về Việt Nam và 50 năm thành lập Đặc khu Vĩnh Linh (1954 – 2004), tôi chân thành kính chúc nhân dân Quảng Trị có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến các anh chị, các bạn ở các đồn biên phòng Vĩnh Linh, các chiến sĩ bờ Nam mà tôi được gặp tại bến đò Tùng Luật. Đặc biệt, tôi gởi đến gia đình anh Hoàng Xuân Đính, là anh trai của o Thảo, tình yêu và sự biết ơn của một diễn viên mà, nhờ có cuộc gặp gỡ với o, cuộc sống của tôi mới trở nên ý nghĩa.
Nghệ sĩ nhân dân TRÀ GIANG