Qua ghi nhận tại một số bệnh viện như Bạch Mai, E, Nhi Trung ương, Xanh Pôn…, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới nay, số người nhập viện do ảnh hưởng giá rét tăng khá cao. Mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đột quỵ não và tim mạch chiếm chủ yếu.
Bác sĩ Lý Đức Ngọc, Phó Trưởng Khoa Nội tim mạch người lớn, cho biết, bình thường mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 2-3 trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, từ sau tết đến nay, khi nhiệt độ giảm sâu, tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim tăng lên (4-6 bệnh nhân mỗi ngày), thậm chí có ngày khoa tiếp nhận tới 8 bệnh nhân nhồi máu cơ tim, phần lớn là người cao tuổi. Cùng với đó, hàng trăm bệnh nhân cũng vào điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương vì các bệnh liên quan tới huyết áp, tim, mạch, xương khớp, tai biến não và hô hấp.
Trong khi đó, số trẻ được gia đình đưa tới khám và điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương do ảnh hưởng giá rét cũng khá nhiều - khoảng 1.500 trẻ/ngày, trong đó phần lớn bị viêm đường hô hấp, ho sốt. Đặc biệt, rét đậm, rét hại không chỉ làm gia tăng bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến cuối mà nhiều bệnh viện ở các tỉnh miền núi như Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng... số bệnh nhân tới khám, điều trị cũng tăng nhiều hơn trước.
Theo các bác sĩ, trong những ngày trời rét đậm, người cao tuổi cần chú ý ăn uống đủ chất, không nên tập thể dục vào buổi tối và sáng sớm, lưu ý tránh ra ngoài trời lạnh hay đột ngột từ phòng ấm ra ngoài trời lạnh vì chênh lệch nhiệt độ đột ngột khiến người cao tuổi đột quỵ. Những người có bệnh mạn tính, huyết áp cần sử dụng thuốc hàng ngày và đo huyết áp thường xuyên. Với trẻ em, các bậc phụ huynh cần luôn giữ ấm cơ thể, vệ sinh mũi miệng cho trẻ nhằm tránh nguy cơ bị viêm đường hô hấp…