Ghi nhận tại một số bệnh viện ở Hà Nội, như: Bạch Mai, Thanh Nhàn, E, Xanh Pôn… cho thấy những ngày gần đây số người nhập viện do ảnh hưởng của giá rét đang có chiều hướng tăng cao, chủ yếu là các bệnh lý về tim mạch, hô hấp và xương khớp. Trong đó, tại Bệnh viện E, những ngày thời tiết rét đậm, số bệnh nhân đột quỵ tăng khá cao.
Bác sĩ Phạm Xuân Hiếu, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) cho biết, thông thường vào mùa lạnh, số bệnh nhân nhập viện thường tăng khoảng 15% so với trước, trong đó ngoài những người mắc bệnh mới thì những người có tiền sử đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát khá cao.
Trong khi đó, tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca đột quỵ còn khá trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân của toàn trung tâm. Trong số này, không ít trường hợp có tiền sử tăng huyết áp và sử dụng nhiều thuốc lá, rượu, bia.
Theo các bác sĩ, nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 150C và nhiệt độ giảm đột ngột. Các bác sĩ cho rằng, thời tiết lạnh giá có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông làm tăng nguy cơ đột quỵ. Trong khi đột quỵ là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Thống kê của Hội Đột quỵ não Việt Nam, hàng năm cả nước có khoảng 200.000 người bị bệnh lý này, đặc biệt bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Thời tiết giá rét còn kéo dài, để bảo vệ sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm phần ngực, cổ và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Người cao tuổi, người có tiền sử bệnh huyết áp, tim mạch cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng. Đối với trẻ nhỏ cần được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế và khi trẻ có biểu hiện ho, sốt, khó thở… gia đình cần đưa trẻ đi khám ngay, không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ.
Cùng với thời tiết rét đậm đang ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân thì tình hình dịch bệnh cũng tiếp tục phức tạp. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, qua giám sát dịch tễ, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 165 ca mắc sởi tại 27 quận, huyện (trong khi năm 2023 không ghi nhận ca mắc nào). Số mắc sởi tại Hà Nội chủ yếu là trẻ em và phần lớn chưa được tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội gần đây đã ghi nhận nhiều ca mắc sởi ở người lớn do chủ quan. Bên cạnh đó, các dịch bệnh khác, như: sốt xuất huyết, ho gà, cúm, tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc ở mức cao. Đến nay, Hà Nội có trên 8.000 ca mắc sốt xuất huyết với 45 ổ dịch vẫn chưa được khống chế, gần 2.450 trường hợp mắc tay chân miệng và 141 trường hợp ho gà.
Mưa trái mùa ở TPHCM kéo dài trong vài ngày
TPHCM liên tục đón nhận những cơn mưa vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối vài ngày qua, cơn mưa không kéo dài, cường độ nhỏ nhưng cũng gây khó khăn cho người lưu thông trên đường. Lý giải về hiện tượng này, ông Lê Đình Quyết, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết, do áp cao lạnh lục địa tiếp tục tăng cường mạnh xuống phía Nam. Rãnh áp thấp xích đạo có trục ở khoảng 5-8 độ vĩ Bắc, nhiễu động trong đới gió Đông trên cao duy trì. Đây là những nguyên nhân chính gây nên các trận mưa trái mùa.