Thông tin từ tỉnh Cao Bằng cho biết, đến ngày 25-8, mưa đã tạnh, nhiều nơi ở trung tâm TP Cao Bằng khô ráo trở lại. Tuy nhiên, khu vực dân cư ven sông Bằng, sông Hiến vẫn bị ngập nặng do nước lũ từ thượng nguồn vẫn đổ về.
Bà Đoàn Thị Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng, thông tin, có ít nhất 462 ngôi nhà đã bị ảnh hưởng, trong đó có 1 nhà bị sập hoàn toàn do sạt lở đất ở thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An), 407 hộ bị ngập nước dưới 1m và 54 nhà bị sạt đất… Diện tích lúa và hoa màu bị ngập là 1.319,79ha.
* Tại tỉnh Điện Biên, mưa lớn kéo dài đến sáng 25-8 đã gây 2 điểm sạt lở trên quốc lộ 12, đoạn qua xã Mường Pồn (huyện Điện Biên), khiến giao thông giữa TP Điện Biên Phủ đi huyện Mường Chà và tỉnh Lai Châu bị tê liệt. Quốc lộ 279, huyết mạch nối tỉnh Điện Biên với tỉnh Sơn La, cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở.
Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ 226, cho biết, đất đá và bùn lầy tràn ngang đường qua khu vực huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên), có chỗ bùn kéo dài 100m, có chỗ nước ngập sâu gần 1m. Công tác khắc phục được tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, tiến độ vẫn bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi.
Chiều 25-8, ông Nguyễn Đức Đặng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, cho biết, đã có 34 ngôi nhà bị thiệt hại do mưa lũ; trong đó có 13 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 13 tuyến đường bị sạt lở và ách tắc. Một số khu vực sạt lở, ngập úng đã thông xe song cơ quan chức năng vẫn tích cực khắc phục hậu quả và ổn định đời sống cho người dân.
* Còn ở tỉnh Sơn La, mưa to đã làm sạt trượt đất đá xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông tại 2 vị trí ở huyện Thuận Châu.
* Ngày 25-8, ông Lê Anh Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang thông tin, mưa gió kéo dài suốt đêm 24 đến sáng 25-8 đã làm 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương tại huyện Bắc Quang. Sáng 25-8, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể bà C. tại khu đập tràn thôn Nặm Tạu.
Chiều cùng ngày, UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) có báo cáo, do mưa dài ngày nên tại làng cổ Thiên Hương (thị trấn Đồng Văn) đã xuất hiện vết nứt kèm dấu hiệu sụt lún đất nguy hiểm. Tại đây có 41 hộ dân sinh sống thì 16 hộ gặp nguy hiểm. UBND huyện đã khẩn cấp di dời 14 hộ dân (còn 2 ngôi nhà không có người ở).
* Tại tỉnh Yên Bái, ông Triệu Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên) cho biết, 1 người bị thương do lũ cuốn trôi khoảng 300m là ông Nguyễn Văn Miền, ở thôn Khéo Lạnh, khi đang nỗ lực kéo rác ra khỏi cống để tránh úng ngập, nước tràn lên đường.
* Sáng 25-8, tại xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, 1 chiếc xe đầu kéo do anh Nguyễn Huy Đồng (sinh năm 1974) điều khiển đã bị lũ cuốn khi đi qua ngầm Bến Trên (thôn Linh Tú, xã Tuấn Đạo). Sau khi thoát ra ngoài, dù được người dân quăng dây hỗ trợ, anh Đồng vẫn bị nước cuốn đi vài chục mét. 2 người dân địa phương là anh Nguyễn Văn Tú và anh Nguyễn Văn Liên đã dũng cảm bơi ra và cứu anh Đồng an toàn.
* Trong 2 ngày 24 và 25-8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa rất to gây ngập úng, sạt lở nhiều nơi. Mưa lớn khiến tuyến tỉnh lộ 519B qua xã Luận Thành (huyện Thường Xuân) bị ngập, chia cắt; gây sạt lở núi và đường tại thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân), các xã Phùng Minh, Thạch Lập, Thúy Sơn (huyện Ngọc Lặc).
Mưa lớn cũng làm nhiều diện tích lúa, ngô và hoa màu ở các xã Mỹ Tân, Cao Ngọc, Lam Sơn, Vân Am, Phùng Minh, Lan Sơn (huyện Ngọc Lặc) bị hư hại nặng. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và các địa phương đang tổ chức canh trực, cắm biển cảnh báo tại các điểm sạt lở, ngập; vận hành các trạm bơm tiêu úng tại huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân để cứu lúa.