Miền Bắc nguy cơ mất mùa đào

Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 lịch sử cách đây hơn 4 tháng, vụ hoa đào, quất cảnh vào tết này của các nhà vườn ở miền Bắc đứng trước nguy cơ mất mùa.

Thiệt hại nặng nề

Từ cách đây hơn 1 tháng, bà con nông dân ở ngoại thành Hà Nội và tại các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Phú Thọ… đã ra đồng tuốt lá đào để hoa nở vào đúng dịp tết. Thế nhưng, chỉ còn gần 2 tuần nữa đến tết mà ở hàng loạt cánh đồng trồng đào truyền thống ngoại thành Hà Nội, cành vẫn trơ đen như củi.

P7a.jpg
Nông dân ở làng đào La Cả (Dương Nội - Hà Đông - Hà Nội) khẩn trương tưới nước cứu từng gốc đào, thúc hoa nở sớm hơn để kịp bán tết

Chia sẻ với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Thịnh, chủ một vườn đào ở phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) than thở: “Năm nay chúng tôi mất mùa đào tết”. Nâng lên một cành đào, chỉ vào những cái mắt mới chỉ nhỏ li ti như hạt mè đen, hạt gạo cháy, ông Thịnh giải thích, tầm này mọi năm, các “mắt dăm” đào đã bật lên các “mắt cua” (nụ hoa) to dần bằng hạt đậu xanh, hạt bắp… nhưng năm nay, có đến 80-90% gốc đào ở cánh đồng này không kịp ra chợ tết.

Trên cánh đồng đào La Cả ở phường Dương Nội (quận Hà Đông), cách đây khoảng 3-4 ngày đã lác đác có thương lái từ nội thành ra thăm dò giá cả, chất lượng hoa kiểng. Nhưng trên đồng, nông dân, chủ vườn lại thưa vắng hơn thường lệ. Hầu hết vườn đào ở đây có thể không ra hoa đúng dịp tết. “Tầm này năm ngoái, hoa nở bung rồi”, ông Lê Văn Hồng, một người nhiều năm trồng đào ở tổ Đoàn Kết, phường Dương Nội chia sẻ. Đề cập nguyên nhân năm nay đào tết nở muộn bất thường, ông Hồng cũng như một số nông dân ở đây cho rằng do cơn bão số 3 (Yagi) hồi tháng 9-2024 gây ra. Sau bão, nhiều cây đào bị chột mạnh do bộ rễ bị tác động, có cây bị chết héo. Khoảng 2 tuần nay, miền Bắc lại có sương muối.

Anh Lê Văn Phát, chủ một vườn đào hơn 500 gốc ở xã An Khánh (huyện Hoài Đức) cho hay, không chỉ đào cảnh ở Hà Nội mà năm nay đào rừng ở Tây Bắc cũng nở muộn hơn bình thường. Theo anh Phát, có lẽ nguyên nhân chính là do hơn 1 tháng nay ở miền Bắc rét liên tục. Năm nay, lo thời tiết lại ấm hơn như năm ngoái, nên ai cũng tuốt lá muộn hơn 5-10 ngày. Nếu tuốt sớm hơn sẽ không bị chậm hoa như thế này.

Đứng trước vườn đào hơn 600 gốc ở thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) - nơi cũng đang có hàng trăm vườn đào khác đang có nguy cơ mất mùa hoa tết, anh Đinh Văn Trọng cho biết, kinh tế gia đình cả năm trông đợi vào vụ đào tết, nên rất lo lắng nếu hoa không nở. Trận bão số 3 đã làm ngập, chết hơn 50% số đào trên ruộng. Các gia đình khác cũng bị thiệt hại tương tự. Do đó, năm nay, bà con chịu thiệt hại kép.

Mong bán được giá để bù đắp

Anh Trọng cũng như một số bà con trồng đào ở khu vực này cho rằng, vẫn có thể cứu đào tết bằng cách, trong vòng 1 tuần (trước ngày cúng ông Công - ông Táo) thì liên tục bơm nước ấm vào các chân ruộng để thúc nụ. Nếu duy trì đều đặn, từ khoảng ngày 26-27 tháng Chạp, đào sẽ ra lấm chấm nụ. Tuy nhiên bà con nông dân vẫn cần phải theo dõi sát tình hình thời tiết. Nếu trời liên tục rét đậm rét hại, nhiệt độ luôn ở mức dưới 10 đến 14-15oC thì không thể kịp. Nếu trời có nắng và ấm dần lên thì quá trình thúc nụ ươm hoa sẽ thuận lợi hơn. Nhưng với tình hình hiện nay, chắc chắn năm nay, chất lượng hoa đào sẽ không được đẹp bằng các năm trước.

Ngược lên khu vực Nhật Tân - Phú Thượng ở trung tâm quận Tây Hồ (Hà Nội), từ khoảng 1-2 tuần nay, các loại hoa kiểng tết đã bắt đầu ra chợ. Các loại hoa lan từ Đà Lạt đưa ra, cây đào rừng từ Tây Bắc đưa xuống. Tuy nhiên, năm nay, cơn bão số 3 đã gây ngập úng và làm thiệt hại đáng kể tại các vườn đào Nhật Tân, dẫn đến nguồn cung giảm sút. Nhiều chủ vườn cho biết, số lượng cây đào năm nay chỉ còn khoảng 1/3 so với mọi năm. Do đào quất có dấu hiệu mất mùa nặng, nên nhiều thương lái nhận định, năm nay có thể giá bán cũng sẽ đắt hơn mọi năm với mức tăng từ 10% đến 30%. Giá đào tết có thể dao động 1-2 triệu đồng đối với các loại đào thường và 8-10 triệu đồng cho những cây đặc biệt (dáng, thế đẹp).

Ngoài đào truyền thống, thị trường năm nay còn xuất hiện các loại hoa nhập khẩu độc đáo với giá cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Nhiều nơi, nông dân mất trắng hàng trăm triệu đồng

Tại Hà Nội, làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ) là vùng trồng đào truyền thống với diện tích khoảng 105ha. Tuy nhiên, cơn bão Yagi năm 2024 đã gây ngập úng, ảnh hưởng đến khoảng 30% diện tích. Tại TP Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) có hơn 330ha trồng đào, quất và hoa các loại, trong đó phường Bình Khê là nơi có diện tích trồng lớn nhất, nhưng cơn bão số 3 đã ảnh hưởng hơn 200ha cây đào, quất.

Tại thủ phủ trồng đào của tỉnh Hà Nam là phường Ba Sao (thị xã Kim Bảng), nhiều vườn đào cũng đang bị giảm năng suất so với mọi năm. Tại Hải Phòng, xã Đặng Cương (huyện An Dương) là “thủ phủ” trồng hoa, cây cảnh với diện tích trồng đào khoảng 90ha.

Theo thống kê của UBND xã Đặng Cương, sau bão Yagi, 80% diện tích trồng đào ở đây bị mất trắng, chỉ còn 10% có thể khắc phục để bán dịp Tết Nguyên đán nhưng chất lượng thấp. Với giá đào tết khoảng 25-30 triệu đồng/gốc cây lớn, 7-10 triệu đồng/gốc trung bình và 1,5-5 triệu đồng/gốc đào nhỏ, mỗi hộ trồng đào ở đây năm nay thiệt hại khoảng 500-700 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục