Khổ sở vì nồm ẩm quá nhiều
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, khoảng đêm nay 18-3 đến ngày 19-3, sẽ có một đợt không khí lạnh tràn về miền Bắc. Nhờ vậy, tình trạng nồm ẩm sẽ chấm dứt. Nhưng các chuyên gia khí tượng nhận định, đợt không khí lạnh này chỉ có cường độ yếu, nên chỉ diễn ra 3 ngày, sau đó nền nhiệt độ tại miền Bắc lại nhích lên, tái diễn tình trạng nồm ẩm và mưa phùn, mưa bụi kéo dài đến hết tháng 3.
Trong 3-4 ngày vừa qua, tại Hà Nội và nhiều nơi ở khu vực Đông Bắc bộ đã xảy ra tình trạng nồm ẩm, mưa phùn, mưa bụi diện rộng, khiến các loại dịch bệnh có nguy cơ lây lan, phát triển; đồng thời khiến sinh hoạt, đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện…
Người dân tại các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, TP Hải Phòng… cho biết, tình trạng mưa phùn, nồm ẩm đã diễn ra gần cả tháng qua (đan xen 1-2 ngày hửng nắng, nhưng số ngày nắng rất ít, hình thái chủ đạo là mây mù, nhiều mây hoặc sương mù, mưa phùn lép nhép).
Các chuyên gia khí tượng lý giải, hiện tượng sương mù thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, trước mỗi đợt không khí lạnh có cường độ yếu và sau khi không khí lạnh rút đi. Đồng thời, hiện tượng nồm ẩm phát triển mạnh do không khí lạnh suy yếu, gió đông nam từ vịnh Bắc bộ đưa lượng hơi ẩm lớn vào đất liền.
Dữ liệu quan trắc từ ngày 15-3 đến 17-3 cho thấy, độ dày tầng ẩm ở Đông Bắc bộ lên tới 1.500-1.700m. Sáng nay 18-3, nồm ẩm ở miền Bắc vẫn còn tiếp diễn. Trong các gia đình, xảy ra tình trạng đồ đạc, thiết bị điện tử, sàn nhà, bờ tường… “đổ mồ hôi” (đọng nước) do nhiệt độ trong nhà ấm hơn ngoài trời, nên hơi nước từ bên ngoài khuếch tán vào nhà, còn hơi nước trong nhà không bốc hơi được.
Chị Nguyễn Thu Hà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cùng nhiều người phản ánh, do nồm ẩm kéo dài nên quần áo phơi rất lâu khô, nhiều gia đình lo “hết quần áo sạch để mặc”. Một số người than thở quần áo, chăn màn trong nhà bị ẩm mốc, sấy không kịp.
Còn chị Vũ Thị Mai Anh ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ: “Hôm trước nhà bị ẩm ướt, tôi cùng con cái mở toang hết cửa sổ, cửa chính để lau dọn, nhưng càng lau càng ướt sũng như đổ nước, mãi không khô”. Sau đó, chị Mai Anh lên mạng xã hội để hỏi kinh nghiệm thì mới biết, nếu trời nồm ẩm, càng mở cửa sẽ càng bị nồm ẩm nghiêm trọng hơn.
Một số người chia sẻ kinh nghiệm tránh nồm ẩm trong phòng ngủ, làm khô chăn màn bằng cách sử dụng điều hòa 2 chiều, bật chế độ sưởi (ấm) để hút bớt ẩm cũng rất hiệu quả. Những ngày gần đây, tại các phố như Tôn Đức Thắng, Thái Hà, Nguyễn Trãi và tại các siêu thị điện máy, số lượng người đến tìm mua các thiết bị hút ẩm, chống ẩm mốc, khử mùi… cũng tăng đáng kể.
Để ứng phó tình trạng này, chị Nguyễn Thị Phương ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi đã đóng kín toàn bộ cửa lớn cửa nhỏ cả ngày thì nền nhà thoát được tình trạng đổ mồ hôi. Đồ đạc, bàn ghế, giường tủ trong nhà khi sờ vào chỉ còn cảm giác mát tay, ẩm ẩm chứ không ướt sũng nữa”.
Song, giải pháp đóng kín cửa của chị Phương chỉ áp dụng được cho các gia đình, còn với những nơi công cộng ở miền Bắc thì gần như phải “sống chung” nồm ẩm. Trao đổi với PV Báo SGGP, một nữ tạp vụ tại siêu thị Winmart Hà Đông (đường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết, những ngày nồm ẩm, lượng khách ra vào liên tục, nhân viên vệ sinh ở đây phải lau chùi sàn không ngơi tay.
Tại trung tâm điều hành xe buýt ở Bến xe Kim Mã (quận Ba Đình - Hà Nội), để ứng phó nồm, các nhân viên tạp vụ đặt một tấm thảm chùi chân ở cửa ra vào nhà chờ trung chuyển xe buýt, nhưng các vết bẩn cùng nước vẫn loang ra sàn. Trên chuyến BRT Yên Nghĩa (Hà Đông) - Kim Mã, một nữ tạp vụ cho biết, hàng ngày, mỗi kíp có 2 người, phải di chuyển liên tục 5 trạm (nhà chờ) BRT để lau dọn. Vào những ngày nồm ẩm, công việc bận rộn, vất vả hơn nhiều.
Nguy cơ dịch bệnh phát triển
Không chỉ khổ sở vì nồm ẩm do thời tiết liên tục thay đổi lúc giao mùa, theo phản ánh của nhiều người dân ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam… khoảng 3-4 ngày gần đây, trong các gia đình xuất hiện rất nhiều muỗi non. Đây là mùa muỗi sinh sản.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, những tuần gần đây, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận rải rác các ca mắc sốt xuất huyết, trung bình khoảng 17-24 ca/tuần. Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 15-3, Hà Nội đã ghi nhận 513 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Còn theo thông tin từ tỉnh Lào Cai, dịch thủy đậu đang lây lan tại một số trường học trên địa bàn các huyện: Bát Xát, Bảo Yên, Bắc Hà… Tính đến ngày 15-3 vừa qua, cơ quan kiểm soát dịch bệnh ở địa phương này ghi nhận có 75 ca mắc thủy đậu (gồm cả học sinh và giáo viên) tại một số trường học.
Ông Trần Xuân Hùng, Phó Giám đốc CDC tỉnh Lào Cai, cho biết, đơn vị này đã cử cán bộ xuống giám sát các ổ dịch, tiến hành đồng loạt các biện pháp: điều trị, cách ly, vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn lớp học. Nguyên nhân dịch bệnh thủy đậu xuất hiện và lây lan nhanh là do gần đây, thời tiết miền Bắc liên tục thay đổi, tăng nóng ẩm, có hiện tượng nồm, tạo điều kiện cho virus phát triển.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia vừa có báo cáo cảnh báo, tình trạng sương mù, nồm ẩm, mưa phùn ở miền Bắc nửa cuối tháng 3-2024 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 4, mưa nhỏ, mưa phùn giảm dần và chỉ xảy ra ít ngày ở vùng ven biển Đông Bắc bộ.