Trên phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, ông Nguyễn Văn Liên (làm nghề bán tào phớ dạo) mặc nhiều lớp áo để chống nắng nóng, liên tục lấy khăn ướt lau mồ hôi. Ông Liên cho biết, những ngày trời quá nắng nóng phải tranh thủ đi bán từ sớm. Ra khỏi nhà, ông phải chuẩn bị mấy chiếc khăn ướt, để vừa đội trên đầu vừa quàng trên vai để giải nhiệt. Trong khi đó, do trời nắng gắt, người dân Hà Nội cũng hạn chế ra đường vào giờ trưa.
Tại một số bệnh viện như: Bạch Mai, Xanh Pôn, Lão khoa Trung ương, Nhi Trung ương… số người tới khám và điều trị các bệnh lý do thời tiết nóng bức gây ra đang có chiều hướng gia tăng, dù đang là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người cao tuổi tới khám và nhập viện tăng khoảng 50% so với những ngày trước đó. Người dân nhập viện chủ yếu liên quan các bệnh tai biến mạch máu não, đột quỵ, cao huyết áp, viêm đường hô hấp.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi được đưa tới khám cũng tăng khoảng 30%, chủ yếu là cảm cúm, sốt, viêm phế quản, tiêu chảy, viêm da.
Theo các bác sĩ, nắng nóng gay gắt kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại virus, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh phát triển, gây ra bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa, truyền nhiễm như: viêm não sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Người già và trẻ em là những đối tượng dễ mắc các bệnh do thời tiết nắng nóng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đợt nắng nóng này kéo dài đến hết ngày 22-6 ở miền Bắc và Trung bộ. Do nắng nóng nên chỉ số tia cực tím (UV) tại các tỉnh, thành phố đều ở mức rất cao.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, do nắng nóng, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lại tiếp tục lập đỉnh mới là 41.709MW vào trưa 18-6.
Dự báo tình hình nắng nóng vẫn còn duy trì từ nay tới tháng 8, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm.