Tin vui với ngành xuất khẩu này của Việt Nam được Ủy ban châu Âu (EC) đăng trên Công báo ra ngày 12-6 trong Quy định số 2024/1662 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào EU theo quy định 2019/1973.
Tuy nhiên, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu đối với mì ăn liền Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 20%. Theo TTXVN, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU cho biết, đây là kết quả từ nỗ lực của Bộ Công thương, các cơ quan chức năng liên quan và các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu sang EU. Việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ giúp mì ăn liền Việt Nam thuận lợi hơn trong mục tiêu tiếp cận thị trường EU, vốn có tiềm năng rất lớn với hơn 450 triệu dân.
Đối với thanh long, tần suất kiểm tra tại biên giới được tăng từ 20% lên 30%. Mặt hàng ớt được chuyển từ Phụ lục I (kiểm soát 50%) sang Phụ lục II (kiểm soát 50% và kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm). Đậu bắp được giữ nguyên tần suất kiểm tra 50% và kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Mặt hàng sầu riêng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra 10%.
Vào tháng 1-2022, EU đặt các sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào tầm ngắm theo Quy định 2019/1793 nhằm kiểm soát dư lượng ethylene oxit (EO). Điều này có nghĩa bất kỳ sản phẩm mì ăn liền nào của Việt Nam nhập khẩu vào EU đều phải có Giấy chứng nhận y tế (HC) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Chỉ 6 tháng sau, EU loại bỏ sản phẩm bún, gạo của Việt Nam khỏi danh sách quản lý an toàn thực phẩm.