Công ty nghiên cứu thị trường Research & Markets cho biết, thị trường Edtech thế giới hiện có giá trị khoảng 85 tỷ USD và theo dự đoán sẽ lên tới 218 tỷ USD vào năm 2027. Trong hai năm qua, các hoạt động đầu tư vào thị trường này ở Mexico nói riêng và trên thế giới nói chung đã bước vào giai đoạn bùng nổ. Tính riêng trong giai đoạn 2020-2021, lĩnh vực này đã thu hút 35,1 tỷ USD trên toàn cầu, xấp xỉ lượng đầu tư trong 6 năm trước đó (36 tỷ USD).
Mỹ Latinh là 1 trong 4 thị trường có Edtech phát triển nhất thế giới, sau Bắc Mỹ, Tây Âu và châu Á, với nguồn doanh thu ước tính đạt 3 tỷ USD trong năm 2023. Đây cũng là thị trường tiềm năng cho ngành Edtech, và Mexico chính là một trong những “ngôi sao sáng” trong khu vực.
Đối với Mexico, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ về mức tăng trưởng của Edtech, nhưng theo Viện Ngoại thương Tây Ban Nha (ICEX), đây là một thị trường tiềm năng vì quốc gia này hiện có hơn 49,4 triệu người dùng máy vi tính, trong đó 44,6% sử dụng cho mục đích học tập. Bà Laura Warnier, Giám đốc phụ trách mở rộng và tăng trưởng toàn cầu của doanh nghiệp GoStudent (Áo), cho biết, điều khiến Mexico trở nên hấp dẫn đối với ngành Edtech chính là quy mô thị trường với nguồn học sinh ở mọi cấp bậc. Theo bà Warnier, trước kia thị trường giáo dục chưa được số hóa, do đó kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã khiến các nhà đầu tư thay đổi cách nhìn nhận đối với ngành này.
Theo số liệu của Tracxn, một nền tảng giám sát dành cho các công ty khởi nghiệp và tư nhân, Mexico hiện có 156 công ty khởi nghiệp Edtech, và 5 công ty được định giá cao nhất đều hoạt động chuyên sâu trong những lĩnh vực cụ thể khác nhau, trong đó Lottus đang là công ty có giá trị thị trường lớn nhất - lên tới 9,8 triệu USD. Công ty này cung cấp các chương trình liên quan đến giáo dục đại học và nằm trong danh mục đầu tư của nhiều tập đoàn, trong đó có Ngân hàng tín dụng Thụy Sĩ Credit Suisse.
Có thể nói, thị trường Edtech ở Mexico rất đa dạng, thậm chí bao gồm cả những công ty khởi nghiệp kinh doanh những mặt hàng mới (như Baud - chuyên cung cấp dịch vụ học chế tạo robot cho trẻ em). Hay như Kinedu giúp việc nuôi dạy con cái trở nên dễ dàng hơn, với thuật toán độc đáo giúp quản lý các hoạt động được cá nhân hóa cho trẻ sơ sinh dựa trên nhu cầu phát triển của các em. Ứng dụng này đã có hơn 2 triệu người dùng toàn cầu và huy động được nguồn vốn gần 5 triệu USD từ Be Curious Partners, Dila Capital, IGNIA. Nền tảng Holon IQ đã lựa chọn 100 công ty khởi nghiệp Edtech có triển vọng nhất ở Mỹ Latinh, trong đó có 16 doanh nghiệp ở Mexico. Quốc gia này đứng thứ hai trong danh sách, chỉ sau Brazil với 39 công ty.
Lợi thế phát triển Edtech của Mexico còn nằm ở nguồn kỹ sư công nghệ dồi dào. Đây còn là một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư dành cho công nghệ hàng đầu Mỹ Latinh. Thành phố Monterrey và Guadalajara còn được gọi là “Thung lũng Silicon của Mỹ Latinh” vì tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ. Hiện ngành công nghiệp gia công phần mềm công nghệ thông tin của Mexico tăng trưởng với tốc độ hàng năm từ 10%-15%, và được coi là nước xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin lớn thứ ba trên thế giới.