Sáng 13-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cùng đại diện các sở, ban, ngành đã có buổi thị sát tiến độ thi công lắp ray tại ga nổi Phước Long trên Xa lộ Hà Nội, sau đó đoàn đi ô tô đến ga Ba Son rồi đi bộ qua đường hầm đến ga ngầm trước Nhà hát Thành phố.
Tại những điểm đi qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ trao đổi với các chuyên gia các nước, nhà thầu, đơn vị thi công về những vấn đề liên quan trong quá trình thi công. Sau khi đi thị sát xong, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP nhằm tháo gỡ những vướng mắc để dự án được đẩy nhanh tiến độ.
Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km (đoạn đi ngầm dài 2,6km; đoạn đi cao dài 17,1 km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao). Tổng mức đầu tư hơn 236,6 tỷ Yên Nhật (vốn vay ODA Nhật Bản), tương đương 47.325 tỷ đồng. Đến nay đã ký được 3 hiệp định vay với tổng giá trị là hơn 155,3 tỷ Yên Nhật (đáp ứng khoảng 75% nhu cầu vốn vay).
Về việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu, theo chỉ đạo của UBND TP, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP và Đoàn đàm phán (do UBND TP thành lập) đã tiến hành đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng tư vấn chung và 4/5 gói thầu chính của dự án (CP1a, CP1b, CP2 và CP3). Tuy nhiên, do thời gian thực hiện các hợp đồng kéo dài, một số nội dung của hợp đồng gốc được thống nhất giữa nhà thầu và Đoàn đàm phán không còn phù hợp với tình hình triển khai thực tế, dẫn đến yêu cầu phải ký kết các phụ lục điều chỉnh hợp đồng.
Về tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, giai đoạn 1 có chiều dài hơn 11km (đoạn đi ngầm dài 9,l km; đoạn đi cao dài hơn 1,9 km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Tổng mức đầu tư 26.116 tỷ đồng, tương đương 1,375 tỷ USD. Trong đó, đã ký hiệp định vay với các nhà tài trợ gồm Ngân hàng ADB (540 triệu USD); Ngân hàng KfW (240,75 triệu Euro); Ngân hàng EIB (150 triệu Euro). Hiện dự án đang trong quá trình điều chỉnh, dự kiến tăng lên 2,134 tỷ USD, tương đương 47.891 tỷ đồng.
Hiện nay, Công ty vận hành và bảo dưỡng tuyến Metro Bến Thành- Suối Tiên TNHH MTV vẫn chưa được bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo nên chưa đi vào hoạt động.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, kiến nghị TP, về điều chỉnh dự án đầu tư và tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và số 2 Bến Thành - Tham Lương, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của 2 dự án sau khi có hướng dẫn chính thức từ Bộ KH-ĐT với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6-2019, làm cơ sở triển các dự án theo kế hoạch.
Đối với các tuyến còn lại, hồ sơ dự án trình xin chủ trương đầu tư cần phải hoàn chỉnh theo quy định hiện hành, dẫn đến việc phát sinh một số gói thầu như tư vấn lập hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi... Do đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương bố trí vốn từ ngân sách TP để thực hiện.
Kiến nghị Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho Ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TP bổ sung vào cơ chế chính sách cụ thể hóa theo Nghị quyết khi sơ kết, tổng kết để phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị hiện nay, làm cơ sở giữ và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng (dự án đường sắt đô thị là dự án có công nghệ phức tạp và tiên tiến, phức tạp trong quản lý dự án theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế... đòi hỏi nhân sự có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và ngoại ngữ...)
Bên cạnh đó, để hình thành hoàn chỉnh tuyến Metro, cần thiết phải có quỹ đất cho công trình phụ trợ, kết nối metro (metro xây dựng xong mà không có lối tiếp cận thì người dân không đến, không sử dụng); cần có quỹ đất dọc hành lang metro cho phát triển, chỉnh trang đô thị, tận dụng được giá trị sử dụng đất tăng cao do các tuyến metro mang lại.
Tuy vậy, hiện nay do chưa có kinh nghiệm nên trong quy hoạch không đề cập đến vấn đề này, các dự án metro hiện nay chỉ được giao đất theo đúng phạm vi chiếm dụng của ranh tuyến metro và nhà ga.
Bên cạnh đó, quỹ đất dành cho các công trình liên phương thức kết nối các khu vực liền kề với nhà ga như đường tiếp cận, quảng trường ga, các bãi đậu xe trung chuyển... chưa được quy hoạch hay có kế hoạch đầu tư xây dựng cụ thể cùng lúc với các dự án metro.
Vấn đề này sẽ trở thành trở ngại và thách thức không nhỏ khi vận hành các tuyến metro, do những công trình liên phương thức này là những công trình bắt buộc phải làm, dù nhanh hay chậm nhằm đảm bảo khả năng hoạt động phục vụ hiệu quả cho người dân của các tuyến Metro.
Do đó, bên cạnh các dự án metro đang triển khai, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP kiến nghị UBND TP giao Sở QH-KT chủ trì phối hợp Sở GTVT, Sở Xây dựng nghiên cứu song song các dự án xây dựng công trình liên phương thức kết nối các nhà ga Metro (đặc biệt là xe buýt), đồng thời có nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị xung quanh các nhà ga theo mô hình phát triển theo định hướng giao thông mà các quốc gia đi trước đã thực hiện.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch, sử dụng và quản lý không gian ngầm cũng rất cần thiết thực hiện nghiên cứu ngay từ thời điểm này để phù hợp với xu thế chung trong phát triển đô thị TP.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 tuyến Metro số 1 và 2, Bộ KH-ĐT đồng ý cho TP điều chỉnh, TP thuê các đơn vị tư vấn thẩm định lại, sau đó TP giao Sở GTVT thẩm đinh lại lần nữa sau khi chính thức phê duyệt lại. Hiện nay, khó khăn về vốn là đương nhiên nhưng không để khó khăn về thủ tục. Tuy nhiên, TP sẽ tạm ứng cho nhà thầu sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ. Công ty vận hành và bảo dưỡng phải am hiểu về tốt về kỹ thuật và đưa vào vận hành càng sớm càng tốt.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở, ngành khẩn trương hoàn chỉnh, rút ngắn thời gian các thủ tục, mục tiêu cuối năm 2020 phải vận hành thử tuyến metro số 1.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, làm sao cuối tháng 4 này phải phê duyệt điều chỉnh thiết kế nhưng không được tăng thêm nguồn vốn nữa. UBND TP chốt lại thời gian. Về giải ngân, năm nay chỉ xin tạm ứng và Thủ tướng sẽ sớm phân cấp cho TP tạm ứng vốn. Về quy hoạch quỹ đất xung quanh dọc tuyến metro, với mục đích vừa phục vụ giao thông vừa phục vụ các mục tiêu khác.
UBND TP ra đầu bài cho các tuyến tiếp theo để các sở ngành liên quan thực hiện, làm sao để giữ đất 2 bên dọc các tuyến, cần có đề án riêng để giữ đất. Cuối tháng 4, TP phải ra cho được đầu bài liên quan đến quy hoạch này.
Về chính sách cho người lao động tại Ban Quản lý đường sắt đô thị TP làm sao để thu hút người tài, Ban chủ động kiến nghị mức thu nhập chung so với mặt chung hiện nay. TP bàn cơ chế phối hợp giữa các sở ngành thực hiện nhanh các loại thủ tục để rút ngắn thời thời gian.