Metaverse: Vũ trụ ảo, giá trị thực

Metaverse (vũ trụ ảo) đang dần hình thành và ngày càng có nhiều ứng dụng trong đời sống số. Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta cần tăng cường và chủ động thực hiện các chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đồng thời hạn chế những bất cập trong lĩnh vực này.
Metaverse: Vũ trụ ảo, giá trị thực

Các vấn đề pháp lý

Trong Metaverse có các NFT - token không thể thay thế (loại tài sản số “độc nhất” có thể được trao đổi như bất kỳ tài sản nào khác, nhưng không tồn tại dưới dạng vật thể) nên được xem là một kênh “chứng khoán”. Dẫu vậy, nhiều nhà phát triển lại chưa muốn thừa nhận điều này vì “chứng khoán” sẽ phải tuân theo rất nhiều quy định của các ủy ban chứng khoán. Nhưng không sớm thì muộn sẽ diễn ra làn sóng pháp lý nhắm đến những dự án NFT hoặc GameFi, đó là dự báo.

Meta (công ty mẹ của Facebook và Instagram), Google, Microsoft, Nvidia, Nike và nhiều công ty khác tham gia Metaverse đã gây được những tiếng vang lớn, và giá trị càng lớn càng dễ bị các nhà lập pháp tài chính chuyên về công nghệ để ý đến. Các nền tảng GameFi như Axie Infinity là minh chứng cho thấy các dự án Metaverse có thể sản sinh những nền kinh tế số trị giá hàng tỷ đô la. Chỉ riêng quy mô khổng lồ của nó đòi hỏi phải có sự quản lý nội bộ và các chính sách tiền tệ, một chuyên gia nhận định.

Cho nên, bước đi quan trọng đầu tiên cho mọi dự án Metaverse chính là cần phân loại những tài sản mà họ đang có kế hoạch phát hành. Ví dụ, nó có phải là “chứng khoán” hay là một token tiện ích? Dùng cho mục đích khác?... Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng nền móng cho việc phân loại này vốn đã được thiết lập trong thời kỳ đầu phát hành tiền số… nên nó cũng là một góc nhìn cần suy tính.

Ngăn chặn những tiêu cực

Bên cạnh đó, rất nhiều nỗ lực cần được thực hiện bởi các cơ quan quản lý, phối hợp cùng những giao thức để đảm bảo sự rõ ràng và bảo vệ người tiêu dùng. Bởi tội phạm trên không gian mạng liên tục tìm ra cách mới để khai thác những sơ hở của người dùng trong Metaverse nhằm trộm cắp tài chính; trong khi các bộ dữ liệu 3D tiềm ẩn nguy cơ tiết lộ thông tin cá nhân nhạy cảm và thiết bị đeo AR và VR liên quan các hệ sinh thái này tạo ra khối lượng lớn dữ liệu cá nhân - bao gồm thông tin sinh trắc học từ công nghệ theo dõi mắt và theo dõi cơ thể. Metaverse là “sân chơi” dễ kích thích kẻ xấu.

Hiện nay, quy định chung về bảo vệ dữ liệu ở châu Âu và Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng của California (Mỹ) khá toàn diện và chặt chẽ về quyền riêng tư. Quy định bắt buộc các nền tảng công nghệ phải thuê chuyên viên bảo vệ dữ liệu và nhân viên tuân thủ quyền riêng tư của dữ liệu. Cũng cần thấy rằng, ngoài các rủi ro kỹ thuật, một khía cạnh của Metaverse cần xem xét là tác động tiêu cực có thể có đối với sức khỏe tâm thần của con người. Do đó, rất cần cơ quan lập pháp cùng với các thành viên Metaverse thiết lập chính sách quản lý chung để có môi trường Metaverse phát triển lành mạnh.

Những chính sách và cách nhìn hiện nay của quốc tế về Metaverse là điều đáng xem xét vì thực tế ở ta chưa có bất cứ khung pháp lý cụ thể nào cho lĩnh vực mới mẻ này.

Metaverse là một vũ trụ kỹ thuật số kết hợp các khía cạnh của truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), Internet và tiền điện tử để cho phép người dùng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác. Không gian mới mẻ này ngày càng được quan tâm hơn, ước tính Metaverse sẽ đạt giá trị hơn 800 tỷ USD vào năm 2024, chính vì vậy kinh tế số hay chuyển đổi số cũng cần nhìn đến Metaverse.

Tin cùng chuyên mục