Kết quả khảo sát cho thấy, có những trường hợp phải đi tới đi lui 18 - 20 lần để làm thủ tục hành chính (TTHC). Người dân mệt mỏi với TTHC, đành nhờ “cò”, hoặc chấp nhận “chung chi” với công chức cho xong chuyện. Đáng báo động là khuynh hướng chấp nhận các hiện tượng tiêu cực như một phần… tất yếu khi làm TTHC.
Bị vòi tiền hoặc gợi ý về “sân sau”
Khảo sát đo lường sự hài lòng được Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện tại 22 sở ban ngành; 24 UBND quận huyện; 144/322 phường xã thị trấn, với quy mô mẫu gần 15.000 người dân, tổ chức. Khảo sát chỉ ra tình trạng hơn 56% đối tượng khảo sát phải đi 2 lần để giải quyết công việc: lần đầu đến liên hệ và và nộp hồ sơ, lần thứ hai để nhận kết quả. Gần 9% người dân, tổ chức phải đi lại trên 3 lần. Cá biệt, có trường hợp đi tới 18 - 20 lần hoặc rất nhiều lần, tập trung ở nhóm TTHC tại các sở ngành (29%), dịch vụ đất đai (18%) và dịch vụ đăng ký kết hôn (21%).
Đáng báo động là tình trạng mặc nhiên chấp nhận tiêu cực trong thực hiện các TTHC. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, tâm lý người dân, tổ chức đều ngại va chạm, không muốn đề cập đến nội dung về các khoản “bồi dưỡng”, “lót tay”, “bôi trơn” khi thực hiện TTHC, cho dù ẩn danh. Trong khi đó, mạng lưới “cò”, “môi giới” (thể hiện qua các số điện thoại xuất hiện lặp lại dày đặc trong các danh sách giao dịch) khi tham gia vào trả lời phỏng vấn điều tra hoàn toàn ngẫu nhiên cũng không thể có những nhận định bất lợi cho cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC do gắn kết về mặt lợi ích. Đáng nói là 17 trong 47 trường hợp (chiếm hơn 36%) ghi nhận về hiện tượng gợi ý nộp thêm tiền của công chức giải quyết công việc nhưng người trả lời phiếu điều tra vẫn đánh giá hài lòng, thậm chí chấm đến 10 điểm. “Điều này phần nào cho thấy khuynh hướng chấp nhận các hiện tượng tiêu cực như một phần tất yếu của các quy trình giải quyết TTHC”, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhận xét.
Người dân muốn cán bộ chuyên nghiệp
Một trong những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến mức độ hài lòng của người dân, tổ chức chính là thái độ phục vụ và trình độ, kỹ năng giải quyết công việc của cán bộ, công chức. Nhiều ý kiến cho rằng, ở các cơ quan nên bố trí thêm cán bộ để hỗ trợ, hướng dẫn nhanh nhất cho người dân. Lịch họp của cán bộ lãnh đạo cũng cần được công bố, thông báo rộng rãi và bố trí lãnh đạo luân phiên ký giấy tờ cho người dân, tránh tình trạng người dân tới làm TTHC nhưng không được giải quyết do lãnh đạo bận họp.
Người dân, tổ chức trên địa bàn TPHCM cũng mong đợi nhiều hơn ở tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của công chức. Công chức khi tiếp nhận hồ sơ cần kiểm tra kỹ xem thiếu, đủ cụ thể như thế nào và thông báo một lần cho người dân ngay khi tiếp nhận hồ sơ để người dân chuẩn bị. Trong trường hợp phát hiện thiếu sót sau khi đã tiếp nhận hồ sơ thì công chức cần chủ động liên hệ ngay cho người dân để yêu cầu bổ sung hồ sơ, tránh tình trạng như hiện nay - khi người dân tới nhận kết quả theo như phiếu hẹn rồi mới hay biết là hồ sơ thiếu sót và cần bổ sung. Điều đó vô hình trung buộc người dân phải đi lại nhiều lần.
Đơn giản các thủ tục, giấy tờ và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ là 2 vấn đề liên quan đến TTHC mà người dân mong muốn nhất. Người dân, tổ chức cảm thấy rất mệt mỏi đối với sự phức tạp trong quy trình TTHC và sự kéo dài thời gian giải quyết. Vì thế, không còn cách nào khác là họ phải nhờ “cò”, nhờ “dịch vụ” để thực hiện TTHC. Thông thường, người dân làm TTHC, sau khi nộp hồ sơ sẽ có phiếu hẹn ngày lên nhận kết quả. Phiếu hẹn ở đây chính là “lời hứa” của cơ quan hành chính với người dân.
Vì thế, người dân mong đợi các cơ quan hãy giữ lời hứa. Nếu thất hứa, cần thông báo cho người dân về tình trạng trễ hẹn trước khi người dân đến nhận kết quả. “Thư xin lỗi” mang tính hình thức có thể không có, có thể chậm trễ, nhưng đừng trễ hẹn cả trong thông báo trễ hẹn. Người dân cũng đề nghị phát triển hơn nữa dịch vụ hành chính công trực tuyến tạo điều kiện cho người dân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC tại nhà, hạn chế phải đi lại nhiều lần…
Thạc sĩ NGUYỄN ĐẶNG PHƯƠNG TRUYỀN Đã tìm hiểu trước vẫn không biết đâu mà lần Có một thực tế là dù tìm hiểu trước về TTHC nhưng nhiều trường hợp người dân vẫn “không biết đâu mà lần”, phải tới tận cơ quan hành chính để hỏi cho rõ, rất mất thời gian. Xu hướng hiện đại nhưng việc đưa thông tin lên website rất hạn chế, thậm chí thông tin khác nhau giữa các website khiến người dân thấy rối rắm. Theo tôi, cần phải công khai chi tiết các TTHC để người dân có thể tự tìm hiểu và tự mình thực hiện được ngay. Đơn giản như khai sinh cho con, hiện nay khi đăng ký khai sinh thì liên thông đăng ký hộ khẩu và bảo hiểm y tế. Nhưng nhiều người dân không biết là khi đăng ký hộ khẩu thì phải có ý kiến của chủ hộ. Nếu người cha đi đăng ký mà người mẹ đứng tên chủ hộ, thì phải về lấy ý kiến. Nếu ngay từ đầu trên website hướng dẫn chi tiết việc này thì người dân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức. Ông LÊ MINH ĐỨC Không để người dân mơ hồ về tình trạng hồ sơ Thỏa hiệp với tiêu cực sẽ dẫn tới nhiều hậu quả pháp lý và hệ lụy lâu dài. Để khắc phục tình trạng thỏa hiệp với tiêu cực, cần nhiều giải pháp. Trước hết, các TTHC cần được công khai, minh bạch cách làm, kết quả xử lý. Không nên để người dân phải chịu cảnh mù mờ thông tin, mơ hồ về tình trạng hồ sơ của mình. Không phải người dân nào đọc quy định, quy trình cũng hiểu và làm được ngay, nên các cơ quan cần có cán bộ, công chức túc trực, giải đáp, hướng dẫn kỹ cho người dân. Tính liên thông trong giải quyết TTHC cần được đẩy mạnh, các cơ quan có thể tự kết nối, tự xác minh cho người dân, thay vì để người dân chạy ngược chạy xuôi bổ sung hết giấy tờ này đến giấy tờ nọ. Giải pháp quan trọng nữa là ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh giải quyết TTHC trực tuyến, giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với công chức giải quyết hồ sơ. Một khi người dân có thể ngồi nhà làm hồ sơ, không cần gặp công chức và không bị công chức “hành” thì “nhu cầu” thỏa hiệp với tiêu cực cũng giảm. Ông K.T. (đề nghị không nói rõ địa chỉ) Gặp còn không được, nói chi đến xin lỗi Tôi xin lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TPHCM để bổ túc hồ sơ việc làm, nhưng trong hồ sơ còn thiếu một loại giấy xác nhận của công an địa phương. Đã hơn nửa năm trôi qua, công an vẫn chưa xác nhận dù tôi đã cung cấp mọi loại giấy tờ được yêu cầu. Phía Sở Tư pháp cũng gửi thư đốc thúc bên công an làm nhanh, nhưng không được đáp ứng. Tới nay, tôi nhận được mấy thư xin lỗi từ Sở Tư pháp, nhưng tôi biết việc chậm trễ này không phải từ sở, mà họ cũng đã cố gắng rồi. Trong khi đó, cơ quan gây ra việc chậm trễ thì liên lạc rất khó, không gặp được, chứ chưa nói đến việc xin lỗi. Tôi thấy dường như việc thực hiện xin lỗi còn chưa đồng bộ giữa các cơ quan, nơi có nơi không. Thực tế, tôi chỉ muốn xong việc chứ không phải muốn nhận một tờ thư xin lỗi, nhưng qua đó cũng thể hiện tâm thế làm việc của một số cán bộ, cơ quan không thấy mình có lỗi trong việc làm chậm trễ hồ sơ của dân. |