Xếp hàng từ sáng sớm, quá trưa chưa tới lượt
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hầu như các ngày trong tuần, dù đã hơn 11 giờ trưa nhưng vẫn còn hàng trăm người đứng xếp hàng chờ đến lượt khám, trong số đó phần lớn là người cao tuổi, người mắc nhiều bệnh nền. Ông Nguyễn Văn Út (65 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) cho biết, ông mắc cùng lúc viêm gan, viêm xương khớp, gout, đái tháo đường và huyết áp… Bệnh trở nặng, ông được con trai chở lên Bệnh viện Chợ Rẫy từ 3 giờ 30 sáng, nhưng khi đến nơi vẫn không thoát khỏi cảnh phải xếp hàng, chờ đợi mệt mỏi.

Tại Bệnh viện An Bình, tình trạng quá tải tương tự cũng diễn ra từ ngày này qua ngày khác. Anh Nguyễn Văn Trình (36 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) than thở, anh đưa mẹ đi khám từ 5 giờ sáng, cầm một xấp phiếu chỉ định cận lâm sàng chờ mỏi mòn vì số thứ tự còn cách số đang khám lên tới cả trăm. “Mẹ tôi bị tai biến, phải ngồi xe lăn, hàng tháng đến bệnh viện khám, lấy thuốc. Mỗi lần mẹ đến bệnh viện là hôm đó sẽ mất nửa ngày. Khâu chờ đợi lâu nhất vẫn là đợi đăng ký khám bệnh, tiếp đến là khâu khám bệnh và lấy thuốc. Một người đi khám nhưng 2 người lại mệt mỏi”, anh Trình chia sẻ.
Bộ Y tế vừa có văn bản số 2909/BYT-BH về triển khai thực hiện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển cơ sở khám, chữa bệnh và phiếu hẹn khám lại tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển người bệnh không được phát sinh thêm thủ tục, gây phiền hà cho người bệnh...
Không chỉ các bệnh viện đa khoa mà ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, người bệnh xếp hàng chờ thăm khám đông nghẹt tại các khu vực khám và điều trị. Tại Bệnh viện Mắt TPHCM, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM..., dù đã quá trưa nhưng nhiều người bệnh vẫn chưa đến lượt thăm khám dù đã xếp hàng từ sớm.
Đa phần người bệnh từ tuyến tỉnh đến, như Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Bình Định, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long... Từ phòng khám đến sảnh chính, người bệnh ngồi kín các dãy ghế, cạnh đó là hàng dài người nối đuôi nhau xếp hàng chờ đến lượt. đợi quá lâu và mệt mỏi, nhiều người bệnh phải ngồi bệt xuống nền nhà ngủ gục vì chờ hơn 2-3 tiếng đồng hồ vẫn chưa được gọi tên…
Chưa quen đăng ký khám trực tuyến
Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã áp dụng các giải pháp để giảm thời gian chờ khám cho người bệnh, như: khám thông tầm (khám không nghỉ trưa); khám sớm hơn giờ quy định; khám theo giờ hẹn; tăng bàn khám… Nhiều bệnh viện đã triển khai đăng ký khám trực tuyến, để mã QR cài app (ứng dụng) đặt lịch khám trực tuyến trong mỗi đơn thuốc của người bệnh... Tuy nhiên, những giải pháp này không khả quan, ít người dân có thói quen lựa chọn đăng ký khám bệnh trực tuyến.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt TPHCM, số lượng người bệnh đăng ký khám trực tuyến chỉ chiếm khoảng 13,7%, dù bệnh viện đã tích cực khuyến khích người dân. Còn tại Bệnh viện Nhân dân 115, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1.000-1.200 lượt khám BHYT, nhưng chỉ khoảng 200-240 lượt đăng ký khám trực tuyến (chiếm tỷ lệ khoảng 20%), và phần lớn người bệnh đến bệnh viện rồi mới đăng ký khám BHYT...
Lý giải nguyên nhân trên, các bác sĩ cho rằng, hầu hết người bệnh đến thăm khám tại các bệnh viện tuyến cuối là từ các tỉnh chuyển đến TPHCM, không am hiểu quy trình cải tiến khám chữa bệnh của bệnh viện; người bệnh đi khám chủ yếu là trung niên, người cao tuổi, ít tiếp cận công nghệ, chủ yếu sử dụng những nền tảng mạng xã hội để giao tiếp thông thường. Bên cạnh đó, một số người bệnh lo lắng phải trả phí, sợ bị lừa đảo khi đăng ký khám trực tuyến…
Trong khi đó, theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, hiện số lượng người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh ung bướu mới ngày càng nhiều, dẫn đến việc gia tăng lượng người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Bên cạnh đó, phần lớn người bệnh đến khám tại bệnh viện từ các tỉnh chuyển về, thường có nhu cầu khám xong trong ngày nên thường tập trung đến khám từ đầu giờ sáng… Để giảm tải cho người bệnh, bệnh viện đã đưa ra nhiều giải pháp, như tổ chức triển khai tiếp nhận và khám bệnh
từ 5 giờ sáng; tăng số ca xạ trị bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào khoảng 24 giờ; tổ chức mổ ngoài giờ hành chính và ngày thứ bảy; hóa trị ngoài giờ ngày thứ bảy... Đồng thời bệnh viện khuyến khích người bệnh sử dụng app, website để đặt lịch khám. Ngoài ra, bệnh viện cũng tổ chức phân luồng và đặt lịch khám bằng cách áp dụng hệ thống đặt lịch khám thông minh; ưu tiên khám riêng cho người cao tuổi, người bệnh bị tình trạng nặng, bệnh nhi…
Đề xuất tăng thời gian kê đơn thuốc với một số bệnh mạn tính
Theo các chuyên gia y tế, nhiều người bệnh mắc các bệnh mạn tính như: tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu, huyết áp, khớp… đã được điều trị ổn định nhưng hàng tháng vẫn phải đến bệnh viện chờ lấy thuốc theo lịch hẹn, dẫn đến việc quá tải trầm trọng. Do vậy, cần tăng thời gian kê đơn thuốc đối với một số bệnh mạn tính, giúp người bệnh không mất công đi lại, tiết kiệm thời gian, chi phí… Đồng thời, giảm tải cho bệnh viện trong khám chữa bệnh BHYT đối với người mắc bệnh mạn tính đã điều trị ổn định; đặc biệt là giảm chi phí cho quỹ BHYT khi không phải thanh toán các xét nghiệm không cần thiết...