Ba năm sau khi thu hồi loại thuốc giảm đau Vioxx ra khỏi thị trường, Merck (công ty dược lớn thứ 3 Hoa Kỳ) đã đồng ý trả 4,85 tỷ USD để dàn xếp 27.000 đơn kiện của những người cho rằng họ hoặc người thân của họ bị thương hay chết do dùng thuốc Vioxx. Đây được coi là mức dàn xếp lớn nhất trong một vụ án dân sự.
Vioxx là một loại thuốc giảm đau và chống viêm khớp, được tung ra thị trường vào năm 1999 và được Merck quảng cáo rầm rộ. Tuy nhiên vào tháng 9-2004, Merck phải tiến hành thu hồi Vioxx, sau khi một nghiên cứu y học chứng minh loại thuốc này làm tăng nguy cơ đau tim và đột quị. Nhưng các tài liệu nội bộ cho thấy các nhà khoa học của Merck đã biết về nguy cơ này vài năm trước.
Một nghiên cứu trên diện rộng năm 2000 của chính Merck cho thấy Vioxx nguy hiểm hơn nhiều so với naproxen, một loại thuốc giảm đau có trước đó, nhưng công ty cố tình bỏ qua chi tiết này khi báo cáo kết quả nghiên cứu. Các chuyên gia ước tính chỉ 5 năm có mặt trên thị trường, Vioxx đã gây ra 140.000 ca đau tim và nhiều cái chết.
Sau gần 20 phiên tòa dân sự được xét xử trong vòng 2 năm qua từ New Jersey đến California, Merck đã mất hơn 1,2 tỷ USD cho các vụ kiện liên quan tới Vioxx để đi đến sự dàn xếp đền bù trên. Tính ra, số tiền bồi thường 4,85 tỷ UDS không bằng lợi nhuận 1 năm của Merck.
“Đây là một thỏa thuận tốt và có trách nhiệm” -Richard T. Clark, Tổng Giám đốc Merck nói. Song đối với các nguyên đơn, việc dàn xếp không mang lại nhiều lợi ích, vì các công ty đại diện cho bên nguyên đã kiếm tới gần 2 tỷ USD phí bồi thường (33-40%) nhưng họ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì đa số trường hợp không thể chứng minh đã dùng thuốc Vioxx, số khác lại là những người hút thuốc, uống rượu, béo phì hay liên quan tới các yếu tố gây đau tim khác. Chính vì lý do này, sau khi mất 253 triệu USD trong phiên tòa đầu tiên, Merck thắng hầu hết các vụ còn lại, dồn các nguyên đơn đến chọn lựa duy nhất là dàn xếp.
Việc dàn xếp giúp Vioxx “lùi vào dĩ vãng” trong lịch sử của Merck, cũng như sẽ giúp họ giảm được các chi phí bào chữa trong các vụ kiện liên quan tới Vioxx, tốn hơn 600 triệu USD mỗi năm. Các thẩm phán ở Louisiana, New Jersey và California, nơi diễn ra hầu hết các vụ kiện, thúc đẩy việc dàn xếp trước khi một làn sóng kiện cáo mới dự định sẽ bắt đầu vào tháng 1 sang năm.
Việc dàn xếp chỉ có thể đạt kết quả nếu có ít nhất 85% các nguyên đơn đồng ý bỏ việc kiện cáo. Các nguyên đơn sẽ nhận được khoản tiền bồi thường khác nhau tùy theo mức độ tổn hại do dùng thuốc Vioxx mang lại, cũng như thời gian sử dụng thuốc này. Vì thế trung bình mỗi nguyên đơn sẽ chỉ được nhận hơn 100.000 USD tiền bồi thường, chưa trừ án phí. Nguyên đơn nào không chấp nhận sự dàn xếp này, có thể tiến hành kiện riêng rẽ, nhưng vì hầu hết các tòa án hàng đầu Hoa Kỳ đồng ý với thỏa thuận này nên cơ hội thành công của họ rất ít.
Cái giá của thỏa thuận ít hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích phố Wall đưa ra khi Merck thu hồi Vioxx. Lúc đó, các chuyên gia cho rằng Merck ít nhất phải chi từ 10 – 25 tỷ USD để bồi thường cho các nạn nhân. Cho đến nay, Merck vẫn khẳng định họ không làm sai điều gì. Trước tin các vụ án được dàn xếp, cổ phiếu của Merck trên sàn New York (NYSE) tăng 4,5% (2,46 USD) lên 57,32 USD, là cổ phiếu “xanh nhất” trong 14 công ty dược ở danh sách của Standard & Poor’s 500.
Vinh Trang (Tổng hợp)