Giá tăng mạnh
Ghi nhanh trong ngày 18-7, giá thịt heo bán ở một số chợ lẻ, cửa hàng tại TPHCM đã tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg, tùy loại và nơi bán. Tại chợ Nhật Tảo (quận 10), chợ Bàn Cờ (quận 3), cốt lết dao động từ 120.000-130.000 đồng/kg, ba rọi từ 135.000-150.000 đồng/kg. Tại chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12), Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), sườn non có giá từ 190.000-210.000 đồng/kg, ba rọi từ 125.000-135.000 đồng/kg, thịt đùi từ 90.000-100.000 đồng/kg…
Trong khi đó, heo hơi cũng đang tăng giá mạnh trên cả nước, hiện đang ở mức giá từ 64.000-74.000 đồng/kg, tùy theo vùng miền. Theo thống kê của Công ty Anova Feed vào ngày 18-7, giá heo hơi thấp nhất là tại Bình Định 63.000 đồng/kg, cao nhất là tại Tuyên Quang 74.000 đồng/kg; trong khi đó, theo thống kê ngày 1-7, giá heo hơi tại Bình Định là 54.000 đồng/kg và Tuyên Quang là 59.000 đồng/kg.
Do nhiều tác động
Lý giải thịt heo tăng giá, ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi an toàn Tiên Phong (TPHCM), cho biết, có nhiều nguyên nhân tác động cùng lúc. Đó là dịch tả heo châu Phi chưa dứt tại các trang trại khiến nguồn cung thiếu hụt; giá heo thấp kéo dài thời gian qua, trong khi giá thức ăn tăng vọt khiến nhiều nông dân thua lỗ, phải treo chuồng, dẫn đến giảm đàn. Trong khi đó, heo con phải nuôi 6 tháng mới xuất chuồng, phải có độ trễ mới kịp cung ứng cho thị trường…
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích, việc heo hơi, thịt heo tăng giá sốc nằm trong xu hướng chung của các quốc gia xung quanh. Trước đó, giá heo hơi của các nước trong khu vực, kể cả Việt Nam tương đương nhau, nhưng sang tháng 7 có sự thay đổi khi giá heo hơi tại Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… liên tục tăng cao. Hiện nay, nguồn cung các nước đang thiếu, một số nước EU lại tăng nhập khẩu thịt đông lạnh để dự trữ, Hàn Quốc bỏ thuế nhập khẩu thịt heo… Với giá bán hiện nay, người nông dân nuôi heo và các doanh nghiệp theo chuỗi từ heo giống sẽ có lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, có một thực tế là tình trạng giảm đàn diễn ra trên quy mô lớn. Mới đây, Hội Chăn nuôi Việt Nam có chuyến thăm các hội viên ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã ghi nhận, có rất nhiều nông dân bỏ chuồng, chuyển sang chăn nuôi gia cầm do có lợi nhuận cao hơn, chu kỳ nuôi ngắn (khoảng 45 ngày đã xuất chuồng), trong khi nông dân nuôi heo phải mất nửa năm để xuất chuồng, chưa kể giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ 30-35% so với trước. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhìn chung, chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẵn heo ông bà, heo nái, heo giống, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi mới có thể tăng đàn nhằm hạn chế heo hơi tăng giá cao.
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT cho biết, trong những tháng cuối năm, để tăng đàn heo, ổn định phát triển đàn gia cầm, bộ sẽ có hàng loạt giải pháp như triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi; xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn… Ngoài ra, sẽ tăng cường theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới; nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên đa dạng thực phẩm sử dụng trong bữa ăn hàng ngày (thịt bò, gia cầm…), tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thịt heo.
Siêu thị hỗ trợ giảm giá thịt heo |