“Men trời” trên núi

Men nồng cho mùa xuân
“Men trời” trên núi

Cho đến nay, rượu đoác được xem là loại rượu duy nhất trên thế giới được lấy trực tiếp trên cây mang về uống, không cần qua chế biến.  Đây là thức uống truyền thống có từ ngàn xưa của dân tộc Tà Ôi sống trên dãy Trường Sơn. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, cùng với các món ẩm thực truyền thống, người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới, Thừa Thiên-Huế, nhà nào cũng chuẩn bị rất nhiều rượu đoác để tiếp đón bạn bè và khách quý.

Lấy rượu từ thân cây đoác.

Lấy rượu từ thân cây đoác.

Men nồng cho mùa xuân

Tuy có hàng chục chuyến công tác lên miền núi A Lưới nhưng tôi chưa được một lần thưởng thức món rượu bí truyền của người Tà Ôi. Lần này đang cuốc bộ trên con đường lểnh khểnh đất đá, tôi gặp Hồ Văn Nơi, người Tà Ôi, vai mang những bịch nước trắng đục từ rừng trở về.

“Rượu đoác đây rồi!”, tôi mừng rỡ thốt lên và được anh Nơi mời vào nhà làm vài chén. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức rượu đoác. Cái thức uống làm tôi thích thú. Gọi là rượu nhưng nó không nặng như rượu mà giống bia, bởi hương vị cay cay, nồng nồng và mùi thơm đặc trưng rất dễ chịu.

Nhiều người còn gọi vui  rượu đoác là “bia trời”. Rượu đoác lấy từ thân cây đoác, rồi ngâm với vỏ cây chuồn để nó lên men thành rượu. Anh Nơi kể, nhà anh có truyền thống lâu đời sống bằng nghề làm rượu đoác. Từ ông cố đến ông nội, rồi đến bố và bây giờ là anh. Chính nghề làm rượu đoác đã nuôi sống gia đình anh.

Dịp tết bà con đặt rượu nhiều quá nên ngày nào anh cũng phải lên rừng tìm kiếm.  Không riêng gì gia đình anh, ở xã A Ngo có 40 gia đình chuyên làm nghề lấy rượu đoác, nhưng dịp tết không kịp phục vụ cho bà con đặt hàng.

Già làng Quỳnh Nêm (89 tuổi), người hơn 30 năm làm rượu đoác cho hay: Rượu đoác không biết có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ xa xưa, người Tà Ôi vào rừng làm rẫy, khi ngồi nghỉ dưới một tán cây  đoác để tránh nắng, thấy nước từ cây chảy ra, có mùi  thơm, uống thử thấy ngon, người dân rủ nhau lấy về để uống thay rượu.

Để rượu đoác có thêm độ nồng, người dân sử dụng vỏ cây chuồn trong rừng để lên men. Sau này người dân A Lưới đã mang hạt giống cây đoác, cây chuồn từ rừng về trồng trong vườn nhà để lấy rượu cho tiện. Do vậy, rượu đoác là món đồ uống truyền thống có từ ngàn xưa không chỉ riêng của người Tà Ôi mà của cả bà con ở vùng cao A Lưới.

Vào những ngày lễ hội, mừng nhà mới, cưới hỏi trong thôn hoặc thu hoạch mùa, rượu đoác không thể thiếu. Vì thế, ngày tết cùng với những món ẩm thực quen thuộc như cá suối, thịt nướng, cơm ống tre… thì uống rượu đoác trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Tà Ôi.

Làm rượu trên cây

Cây đoác hay còn gọi là cây tà vạt (họ dừa) mọc nhiều nơi trên dãy Trường Sơn. Ở huyện A Lưới hầu như gia đình người Tà Ôi nào cũng biết làm rượu đoác, nhiều nhất tại thôn Vân Trình (xã A Ngo), thôn A Min (xã A Roàng) và  một số hộ gia đình ở xã Hồng Thủy.

Anh Hồ Văn Nết, một người chuyên làm nghề lấy rượu đoác, cho biết: Thường mỗi cây đoác mọc trên rừng phải từ 5-7 năm tuổi mới bắt đầu khai thác rượu. Các công đoạn lấy rượu cũng đơn giản. Gặp được cây đoác, chỉ cần dùng dao rạch một lỗ ở thân cây, sau đó  đặt  ống lồ ô dẫn xuống can hoặc chai. Trong chai hoặc can đã có sẵn vỏ cây chuồn phơi khô để cho nước đoác lên men thành rượu. Nếu những cây đoác đã có trái thì cắt ở cuống buồng rồi hứng nước.

Theo anh Nết, mỗi cây đoác có thể lấy rượu liên tục trong vòng 2 tháng, nếu cây có buồng quả phải lấy trong vòng 3 tháng, khoảng 80-100 lít, mới hết rượu. Sau đó cho cây đoác nghỉ ngơi 2-3 tháng mới khai thác tiếp.

Người Tà Ôi khi mới vào nghề phải làm lễ cúng xin cho cây đoác ra nước. Lễ vật thường là một con gà, con dê hoặc con heo nhỏ, và chỉ làm lễ xin một lần duy nhất trong quá trình làm nghề.

Theo anh Nết, đã làm nghề rượu đoác phải đi liên tục, càng đi sâu vào rừng, gặp cây đoác to càng lấy được nhiều rượu. Giá một lít rược đoác hiện nay khoảng 10.000 đồng. Đối với bà con dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn, số tiền thu nhập từ nghề làm rượu đoác cũng đã ít nhiều làm thay đổi cuộc sống của họ.

Ngoài mục đích kinh tế, làm rượu đoác là nét văn hóa truyền thống luôn được bà con Tà Ôi gìn giữ. 

Cận kề tết, khi sắc xuân đang tràn ngập khắp nơi ở các bản làng vùng cao trên dãy Trường Sơn, tôi vẫn gặp từng tốp người khai thác rượu đoác rời bản làng đi vào rừng tìm kiếm men nồng cho mùa xuân.

Phan Lê

Tin cùng chuyên mục