Chiều 20-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự phiên toàn thể của Diễn đàn Mekong Start-up lần 1 năm 2022, với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 19, 20-12 đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương, nhà tài trợ giới thiệu các sản phẩm, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng đến giảm biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng nặng nề từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cho rằng, dư địa phát triển về thuỷ hải sản tại ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng còn rất lớn, vì vậy ngoài phát huy tiềm năng này thì cần tạo ra ngành hàng mới như: chế biến rong biển để góp phần giảm phát thải.
Lãnh đạo bộ ngành lẫn cá nhân cần định hướng các giải pháp trước mắt và dài hạn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chuỗi ngành hàng thủy sản khu vực ĐBSCL. Ông đề xuất chính quyền địa phương ĐBSCL tiếp tục tuyên truyền, tập huấn thay đổi nhận thức, thói quen của người sản xuất và tiêu dùng theo lối sống xanh, có trách nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng kỳ vọng Bộ NN-PTNT rà soát, chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch các vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, nhất là các khu, vùng nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất theo hướng hữu cơ như tôm - rừng, tôm - lúa. Quy hoạch hệ thống cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thủy sản gắn với các vùng sản xuất tập trung.
Đầu tư hạ tầng phải đảm bảo gắn với quy hoạch sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất (với chất lượng cao, chí phí thấp), vừa đáp ứng yêu cầu thích ứng với BĐKH.
Đại diện Vina T&T, nói: Chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp” đang là xu hướng tương lai cần thực hiện, nếu không sẽ khó xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Hiện tại ngành trái cây chưa có thương hiệu quốc gia dành cho bất cứ loại quả nào, do đó kiến nghị thực hiện các chứng nhận của riêng Việt Nam để các nước trên thế giới có thể công nhận và giảm bớt sự phụ thuộc tổ chức quốc tế.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, nhờ xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, cùng với các hiệp định thương mại tự do, nông sản vùng ĐBSCL có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường lớn và tiềm năng, nhất là sản phẩm thủy sản, trái cây. Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng kinh tế xanh đã làm thay đổi nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học công nghệ có những bước tiến vượt bậc mở ra tiềm năng phát triển mới cho tất cả ngành, trong đó có nông nghiệp.
Các đại biểu thực hiện nghi thức giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp |
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trần Công Thắng, cho biết: Với các mô hình tuần hoàn, giảm phát thải mới cần xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để các đối tác có thể tiếp cận kiến thức, nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Tùy mô hình, ngành hàng sẽ có các trung tâm riêng lẻ hoặc tổng hợp đáp ứng. Ông Trần Công Thắng kiến nghị tăng cường đào tạo và hợp tác quốc tế xây dựng các dự án, đồng hành cùng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, đây là năm đầu tiên Đồng Tháp tổ chức một diễn đàn lớn có tính chất đối thoại “công-tư”, với quy mô cấp vùng. Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, diễn đàn đã đáp ứng mục tiêu nâng cao nhận thức về bài toán biến đổi khí hậu, giảm phát thải theo các cam kết của Chính phủ Việt Nam trên trường quốc tế cũng như các yêu cầu mới từ thị trường.
Đây còn là kênh kết nối, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng ĐBSCL, trọng tâm vào bài toán chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng. Qua đây, ĐBSCL kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước để hình thành các nguồn lực, tạo lập nhiều giá trị trong việc thực hiện mục tiêu nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp.
Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa và Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa tiến hành ký kết hợp tác Chuyển đổi số toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; UBND tỉnh Đồng Tháp, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và các Hiệp hội ngành hàng trọng điểm cam kết tăng cường hợp tác công - tư, phối hợp nguồn lực, đẩy mạnh các nỗ lực, nhất là đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo để xây dựng Đồng Tháp thành “Trung tâm giải pháp giảm phát thải của khu vực từ năm 2023”.
Sau diễn đàn, đại diện các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT thực hiện nghi thức cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL. Lãnh đạo bộ, ngành các cấp cùng thực hiện “Nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi”.
Sáng cùng ngày, đã diễn ra 3 phiên thảo thuận: Chuyển đổi chuỗi lúa gạo, thủy - hải sản và trái cây ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu, diễn giả đã có nhiều tham luận để nâng cao giá trị chuỗi nông sản vùng ĐBSCL, trong đó chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp; đồng thời đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ vùng ĐBSCL, với hơn 200 doanh nghiệp thuộc các ngành hàng chủ lực trong chuỗi giá trị nông nghiệp vùng ĐBSCL, như: Trái cây, gạo, thủy – hải sản… tham gia.