Khi người lớn trầm cảm
Vài năm trở lại đây, bệnh trầm cảm ngày càng trở nên báo động hơn, nhất là đối với người trẻ ở những đô thị. Nó phổ biến đến mức trở thành trào lưu, nhiều người trẻ rủ nhau đi “chữa lành trầm cảm” trên mạng xã hội. Người trẻ có vô vàn lý do để dẫn đến những bất ổn tâm lý; áp lực công việc, học tập và con đường khẳng định bản thân có bao giờ là dễ dàng… Nhưng đôi khi vòng xoáy vô hình đó khiến người ta quên mất cha mẹ cũng dễ trầm cảm, như một ý kiến từng được chia sẻ đâu đó “người già có xu hướng trẻ lại” và họ cũng cần những sẻ chia, kề cận về mặt tinh thần như trẻ thơ.
Chị họ tôi sống xa nhà nhiều năm nay, một tháng về thăm nhà 5 - 7 lần. Ngày chị về nhà để nghỉ dưỡng chờ sinh con đầu lòng, loay hoay dọn dẹp phòng chuẩn bị cho vài tháng ở cữ sắp tới mới phát hiện mẹ mình đang trầm cảm ở giai đoạn nặng (theo lời chẩn đoán của bác sĩ trong sổ khám bệnh). Bà ở tuổi 54, phụ nữ nông thôn vốn quen tay quen chân làm lụng, nên mấy ai chịu ngồi không, mỗi ngày vẫn đều đặn với xe bánh mì chả cá ở đầu hẻm. Chưa đầy buổi sáng, bánh mì đã hết, bà dọn dẹp về nhà chuẩn bị cơm nước cữ trưa. Mọi sinh hoạt, giao tiếp cũng không có biểu hiện gì bất thường về tâm lý, chỉ có cơn mất ngủ triền miên, mà đêm nào cũng phải uống thuốc mới có thể vào giấc ngủ được.
Chị họ tôi đọc kỹ từng trang trong sổ khám bệnh, gần 2 năm nay, mẹ chị âm thầm đi khám mà chẳng nói lời nào với 2 con gái. Bác sĩ kê thuốc ngày càng nhiều hơn, chẩn đoán trầm cảm giai đoạn nặng, vậy mà bà chẳng hé nửa lời. Chị gặng hỏi thì bà ứa nước mắt: “Má sợ tụi con lo”… Mấy ngày tỉ tê, chị tôi mới biết, những bữa cơm chiều mẹ chỉ có một mình vì cha chị còn lai rai với đám bạn nhậu trong xóm, lòng bà lại luôn chất chứa lo lắng con cái làm ăn đang buổi khó khăn. Trước đó, hơn 3 tháng trời bà phải nằm một chỗ vì té ngã ảnh hưởng đến xương khớp háng. Những nỗi niềm chẳng thể thấy một cách hữu hình, nhưng nó ám ảnh tâm lý, đến độ mẹ giờ cũng trầm cảm.
Cơm nhà ấm nồng
Có lần tôi hỏi bạn, lương cao đã đành nhưng công việc điều dưỡng ở viện dưỡng lão cực hơn ở bệnh viện nhiều lắm, trong khi nhiều bệnh viện tư nhân cũng mời bạn ứng tuyển mấy lần. Bạn tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, may mắn là cha ở quê nhà sống với ruộng vườn, cơm ngày 3 bữa thoải mái, nên bạn yên tâm học hành rồi dồn hết tâm sức vào công việc đã chọn. Bạn tôi kể: “Cực chứ, cực hơn nhiều lắm, nhưng mà vào làm rồi không nỡ bỏ đi. Ai cũng than nhớ nhà, nhớ tụi nhỏ, rồi mấy ông bà già lại lủi thủi với nhau. Con cháu cũng vô thăm chứ không phải bỏ bê gì, nhưng cũng chỉ chốc lát, nửa ngày là cùng, đâu có ở lại kề cận được”.
Nhiều năm trước, khi mới ra trường, tôi về nhà trễ vì công việc nhiều. Vậy mà nhiều ngày mẹ vẫn chờ tôi về ăn cơm nhà, mẹ nói “Ăn một mình buồn lắm”. Thật ra, đó chỉ là một phần lý do, cái chính là mẹ muốn ăn cơm cùng tôi, để nghe tôi nói về chuyện đi làm, có mệt nhọc gì không, có thiếu tiền thì mẹ cho thêm.
Không chỉ mẹ tôi, hay mẹ của chị họ tôi, hay câu chuyện của bạn tôi ngày ngày chứng kiến ở viện dưỡng lão, mà có lẽ bất kể cha mẹ nào cũng cần những bữa cơm nhà có đủ mặt con cháu. Đôi khi tộ cá kho hơi mặn, nồi canh chua hơi nhạt, nhưng tình thân gia đình biết đứa nào thích ăn món gì, tánh nết ra sao để san sẻ bao điều còn áp lực trong cuộc sống này.
Đâu đó, người ta cũng từng có ý kiến đừng xem con cái như “của cải” phòng thân, tập sống và hạnh phúc tự thân một mình… Điều này chẳng có gì là sai hay tranh cãi, nhưng mỗi trường hợp, hoàn cảnh có những cách ứng xử cần và đủ của riêng nó. Không có cha mẹ nào áp đặt con cái phải phụng dưỡng mình như tuổi thơ mình đã lo cho tụi nó. Nhưng chữ hiếu và đạo đức con người, ai cũng biết phần trách nhiệm. Và cũng đừng nhầm chữ hiếu với những vật chất, tiện nghi. Nó đơn giản chỉ là trong bộn bề cuộc sống, hãy sắp xếp thời gian để trở về nhà, phút giây kề cạnh cha mẹ, ăn bữa cơm nhà, ngồi nghe mẹ kể tóc cha dạo này bạc trắng, hay tối trở trời mẹ đau khớp chân…