Thật lạ là ông ta cứ để nước mắt chảy dài trên má, trong khi vẫn nhìn trân trối vào một điểm bất động. Đã rõ là có một nỗi khổ tâm nào đó trong lòng người đàn ông đeo chiếc kính dày cộp.
Tôi lại gần hỏi có cần giúp gì không thì nghe một giọng nói trầm trầm: “Không ai có thể giúp tôi. Không ai tha thứ cho tôi chuyện này” và thế là câu chuyện cứ tuôn trào như thể ta ấn vào cái van nồi áp suất để luồng khí nóng thoát ra cho đến hết.
Chuyện là thế này: Sáng nay, ông ghé bệnh viện thăm mẹ mình nằm ở khoa cấp cứu trong phòng dịch vụ. Thời gian gần đây, sức khỏe bà giảm sút rõ rệt và ông không biết làm sao giúp bà gượng dậy được. Vấn đề không phải chuyện tiền nong, vì ông là người có khả năng tài chính, mà bởi mẹ ông đã già, bệnh tật cứ ùn ùn kéo đến ở vào cái tuổi không bệnh mới lạ.
Khoảng 5 năm trước, ông gửi bà vào một an dưỡng đường cho người già, nơi mà bà vợ một nhà văn nổi tiếng là nữ diễn viên T.M. cũng chọn sống những ngày cuối đời. Ông phải gửi bà vì công việc bận tối tăm mặt mũi, không có thời gian để ý đến bà. Bà khi ấy đi lại khó khăn vì cơn tai biến và hơn nữa, bà lại rất khó tính, không chịu được sự có mặt của ô sin thuê mướn, nên ông đi dò hỏi bệnh viện tư nhân tốt nhất cho người già, nơi bà được chăm sóc kỹ, có bác sĩ, điều dưỡng chuyên nghiệp và nhất là có bạn bè đồng trang lứa để bà sống vui vẻ tuổi già.
Người đàn ông rút khăn giấy thấm nước mắt, kể tiếp: “Tôi cứ tưởng gửi vào nơi có giá dịch vụ cao, khoảng 20 triệu đồng một tháng là ổn, là lương tâm tôi không cắn rứt. Nhưng không phải vậy… trời ạ!”.
Theo lời kể đứt quãng, ông là doanh nhân làm việc trong lĩnh vực xuất bản, phải lo đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất, từ giấy má, tìm kiếm bản thảo, giao dịch trong và ngoài nước, lo phát hành và… lo đi đòi nợ số sách đã được bán trên mạng hoặc trong các nhà sách. Nghĩa là tối mắt, tối mũi, không có thời gian ngay cả ngồi uống vài ly với bạn bè những dịp cuối tuần. Theo đà công việc, lâu lâu ông mới ghé thăm bà, có tháng gần như ông không ghé lần nào.
Sáng nay, bất chợt ông nhận được cuộc gọi, một giọng nữ báo sức khỏe mẹ ông rất xấu, phải chuyển viện và yêu cầu ông vào viện gấp. Ông vội vã hỏi số phòng và khoa điều trị, rồi thuê taxi phóng gấp vào viện. Vào đến nơi, ông thấy bà nằm bẹp, thở dốc khó khăn, có vẻ như sức sống đang dần rời bỏ bà.
- Chào mẹ, mẹ sao rồi? - Ông thì thầm nắm tay bà.
- Ôi, con yêu, không… sao… mà. - Bà nói giọng yếu ớt.
Vẻ ngoài của bà giống với hình sáp dúm dó, màu da thì tím tái, còn hơi thở đi kèm với tiếng nấc nghẹn. Ông chỉ khóc nhìn bà ở vào khoảnh khắc một chút gợn gió cũng thổi tắt ngọn nến cháy le lói cuối đời. Bà quay mặt về phía người con, yêu cầu không ngắt lời, vì bà nói rất khó khăn. Và những lời mẹ căn dặn khi ấy ông sẽ nhớ mãi, sẽ không quên cho đến cuối cuộc đời.
- Con đừng giận vì mẹ không báo cho con về bệnh tình của mình. Mẹ biết con nhiều việc nên không muốn con phải lo lắng. Dù bác sĩ không nói nhưng mẹ biết mẹ không sống được lâu nữa. Hôm nay, mẹ muốn gọi con đến là để tạm biệt, từ giã. Mẹ chỉ muốn nhìn thấy con và yên tâm là mọi chuyện của con đều ổn. Lâu quá rồi mẹ không gặp con…
Bà uống ngụm nước rồi thều thào:
- Mẹ không sợ vì mẹ đã quen sống một mình. Mẹ chỉ mong con không rơi vào tình cảnh này và sẽ được con cái lo lắng đến cuối đời. Tiếc là mẹ không được gặp cháu mình, không được nhìn thấy chúng lớn lên, chúng cười nói ra sao. Con đừng suy nghĩ nhiều, hãy lấy vợ đi, hãy lập gia đình để thấy cuộc đời còn có cái đáng để sống. Mẹ muốn…
Bà bỗng lịm đi, không nói được. Ông chạy vội ra ngoài gọi bác sĩ tới gấp. Và cụ bà ở trạng thái hôn mê, không tỉnh lại được. Bác sĩ không hứa hẹn gì về sức khỏe của bà, chỉ dặn hãy đến thăm bà thường xuyên, bà nhớ anh lắm!