Kể ra sự khỏe mạnh của mẹ tôi khiến khối người nể phục. Nhiều năm qua, mỗi ngày mẹ tôi dậy từ hơn 4 giờ sáng, lục đục nhóm bếp nấu nước châm đầy các bình thủy, nấu nồi cháo để ba tôi và các cháu ăn sáng, rồi quét dọn chuồng gà, cho gà ăn, nấu nồi “thập cẩm” cho bầy chó giữ vườn… Khi vợ chồng em tôi đưa con đi học và đi làm thì mẹ tôi mới bắt đầu công việc chính của mình ở ngoài rẫy.
Vườn rộng, công việc nào cũng quá sức với mẹ, nhưng mẹ tôi luôn có cách khắc phục. Mấy năm qua, không có người làm, nên ba mẹ tôi trồng nhiều chuối lấy lá.
Một tháng ba bốn bận, người mua lá đến tận vườn cắt và rọc lá, nhưng hàng ngày mẹ tôi phải đi cắt bắp chuối, bắp nào lớn thì gom lại để bán, bắp nào nhỏ thì cũng phải chặt bỏ luôn cây vì trái không thể lớn khi không còn lá, để bụi chuối đó nuôi những cây chuối khác.
Dạo trước, mẹ hay dùng một cái dao lưỡi rộng, mảnh nhưng việc chặt một cây chuối cũng khá tốn sức, sau mẹ có sáng kiến là dùng một loại cưa tay lưỡi dài và sắc, chỉ cần kéo qua là cây chuối ngã xuống, vừa nhanh vừa tiện…
Mùa nắng thì phải tưới chuối mới có nhiều lá. Khắp vườn đã có hệ thống tưới phun nhưng khi thì béc phun bị nghẹt, lúc trụ phun bị đổ, hoặc sút ống… Khi bật công tắc điện, mẹ tôi phải coi quản những việc đó, việc nào xử lý được thì bà lò dò làm, việc nào khó thì kêu ba - ba tôi mấy năm nay đi lại rất khó khăn, đối đế mới ra vườn, vì sau những lần gắng sức thì lại rên hừ hừ, việc nào khó nữa thì chờ đến chủ nhật em trai tôi ở nhà mới giải quyết được…
Mùa mưa thì cỏ lên rất nhanh. Thuê người xịt cỏ, bỏ phân rất khó, mẹ tôi thường tự làm hết. Có một loại bình xịt có tay bơm, khi có nước nữa nặng gần hai mươi ký, mẹ tôi thường làm một lần gần chục bình vậy mới nghỉ…
Hay khi có người đến mua bưởi, họ chủ động cắt, mẹ tôi phải đi gánh vào nhà cho họ phân loại và cân ký, mỗi thùng hoặc giỏ thường khoảng mười lăm ký, tức mỗi lần gánh gần ba mươi ký, lại đi dưới những tán bưởi, các bờ đá, các dốc trơn trợt… Những việc như vậy ngay cả thanh niên cũng khó làm được…
Khi tìm được người giúp làm một số việc trong vườn thì họ hay dùng xe rùa, xe máy để vận chuyển, hoặc vác trên vai thì mẹ tôi vẫn trung thành với cái gánh, túc tắc, thầm lặng mà năng suất và hiệu quả cũng không thua kém…
Có lẽ vì vậy mà mấy năm gần đây, lưng mẹ tôi khòm hẳn. Mỗi lần gặp, tôi hay bảo: Mẹ ráng thẳng lưng lên nghen! Mẹ cười nói: “Mẹ muốn thẳng cũng đâu có thẳng được. Tới tuổi thì nó vậy, năm xưa ngoại không làm việc nặng mà cuối đời lưng cũng còng đó thôi…”.
Với mẹ, đó chỉ là một cách nói. Nhiều năm qua, mẹ chịu khó uống sữa theo lời con cái là “chống loãng xương” nhưng với mẹ thì hay dùng luôn cách đó để trừ bữa, để có thời gian để làm cho xong việc, làm anh em chúng tôi ai cũng xót xa…
Con gái tôi là cháu lớn nhất của mẹ. Hồi con mới ra đời, mỗi lần mẹ đi thành phố thăm cháu về, nước mắt bà lại chảy dài. Khi cháu biết nói, gọi điện thoại nói chuyện với nội thì nội lại khóc rưng rức… Tình thương đó lan dần sang các cháu khác, đến độ đi đâu xa thì mẹ lại bảo nhớ đứa cháu này, đứa cháu kia…
Năm nào, các con gái tôi cũng đều về nghỉ hè, cùng với mấy đứa em thành một đám 6 đứa cháu háu ăn. Mỗi bữa, mẹ tôi phải nghĩ ra những món mà tụi nhỏ thích, trong đó có hai món đặc sắc nhất mà đứa nào cũng rất ghiền là thịt heo kho tàu và gà chiên nước dừa.
Đến bữa ăn, đứa nào cũng giành phần ngon, không mấy khi để ý đến người bà, có chăng, con gái tôi chỉ nhớ đến khi đã ăn xong, rồi viết thành nhật ký, rằng thương bà nội nhường hết thức ăn, bà chỉ ăn phần còn sót lại hoặc có khi lặng lẽ trộn cơm vào cái chảo…
Nhưng có lẽ điều đọng lại của con gái tôi cũng thoáng qua mau, bởi mỗi lần gặp mặt, mẹ tôi hay nhắc nhở cháu nội điều này điều khác, với một đứa đang tuổi mới lớn lắm lúc chẳng được vui… Dẫu vậy, con tôi vẫn thích về nội, thích được khoe với ông bà nội thành tích học tập mới, thích được chơi với các em, thích được tận hưởng cái không khí nhà quê dễ chịu… Có lần, nó hồn nhiên nói: “Con cao hơn nội rồi. Nội đừng có khòm lưng nữa nha! Nhưng mà tóc nội còn ít bạc hơn tóc ba con…”. Tóc nội ít bạc…, đó là chút an ủi còn sót lại để thấy rằng mẹ tôi thực ra… vẫn chưa già lắm, vì mẹ vẫn còn làm vườn hệt như gần ba mươi năm trước khi định cư ở đất này…
Chắc rồi con tôi cũng như tôi, chỉ mong tóc người mẹ, người bà ấy thực sự đừng có bạc nữa…!